
Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Quyết định 239 phê duyệt đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006 - 2010, đến hết năm 2010, đã có 49.245 NKT tham gia học nghề (tập trung chủ yếu ở độ tuổi từ 19 – 35 tuổi) và có khoảng 15.600 người được tạo việc làm. Trung bình mỗi năm có khoảng 256 cơ sở tham gia dạy nghề cho NKT, trong đó, có 55 cơ sở chuyên biệt. Nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở dạy nghề cho NKT từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo được bố trí chung cho công tác dạy nghề cho đối tượng nông dân và NKT với tổng kinh phí hơn 628 tỷ đồng. Số lượng giáo viên tham gia hoạt động này cũng đã tăng lên, trong đó, khoảng 63% (trong tổng số 638 người) trong biên chế, còn lại là hợp đồng thỉnh giảng. Song song với các hoạt động dạy nghề là tìm việc làm cho NKT, một vấn đề có ý nghĩa quan trọng, không những tạo ra thu nhập để đáp ứng nhu cầu bản thân và gia đình của đối tượng mà còn giúp phục hồi chức năng, có cơ hội giao tiếp với xã hội, hoà nhập cộng đồng và hơn hết là đảm bảo quyền công dân của NKT. Nhà nước cũng đã có nhiều biện pháp xúc tiến việc làm cho NKT như ban hành và thực thi nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT, hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT, thành lập Quỹ Quốc gia về việc làm. Có 7 địa phương đã thành lập và bố trí kinh phí Qũy Việc làm cho NKT là Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Bình Định, Gia Lai và Đồng Nai.
Tuy nhiên, trên thực tế, Theo khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến thời điểm này, đa số NKT có trình độ học vấn thấp, hầu hết chưa được đào tạo nghề, thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định, thu nhập thấp. Cả nước có tới 35,83% số NKT không biết chữ; 12,58% biết đọc, biết viết; 20,74% có trình độ trung học cơ sở; 24,13% có trình độ trung học phổ thông. Đáng chú ý là tỷ lệ người được học nghề mới chỉ đạt 12,1%. Mặc dù 58% số NKT đang tham gia làm việc nhưng chủ yếu là việc đơn giản, thu nhập thấp, trong đó 30% đang mong muốn có công việc ổn định. Hơn nữa, mặc dù đã có quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng về tiếp nhận NKT vào làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhưng việc sử dụng đối tượng này tại các doanh nghiệp, xí nghiệp vẫn vẫn chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu việc làm của NKT. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do nhận thức của các cấp chính quyền về dạy nghề và tạo việc cho NKT còn chưa đầy đủ; hệ thống dạy nghề chưa đủ khả năng đáp ứng cho đối tượng. Thêm nữa, nội dung chương trình, ngành nghề và hình thức đào tạo cũng chưa hợp lý, kết cấu quá nặng về lý thuyết, thiếu thực hành, chưa có những giáo trình dành riêng cho NKT. Đội ngũ giáo viên dạy nghề chuyên biệt thiếu về số lượng và yếu cả về kiến thức, kỹ năng và nhận thức về các lĩnh vực kỹ thuật, sư phạm. Chưa có số liệu thống kê đánh giá, phân loại số NKT theo mức độ, dạng tật, theo khả năng lao động để giúp cho công tác dạy nghề phù hợp với khả năng học nghề, khả năng lao động, yêu cầu của nghề nghiệp trong tương lai. Các ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với thị trường lao động, chủ yếu đào tạo ngắn hạn, ở trình độ bậc thấp, chủ yếu là nghề may mặc, đan lát và một số ngành nghề giản đơn khác, trong khi đó, nhu cầu xã hội về các ngành nghề này đã bão hòa. Hơn nữa, mặt bằng trình độ văn hoá, chuyên môn kỹ thuật của NKT thấp và hạn chế, công thêm những rào cản xã hội như thái độ phân biệt, e ngại về chất lượng lao động, nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị không phù hợp… cũng là yếu tố hạn chế cơ hội việc làm của NKT. Dịch vụ hỗ trợ việc làm cho NKT tập trung chủ yếu ở khâu dạy nghề và giới thiệu việc làm, trong khi khâu tư vấn nghề, hỗ trợ tại nơi làm việc, tạo ra các điều chỉnh hợp lý tại nơi làm việc còn hạn chế. Các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến việc làm và phục hồi khả năng lao động cho NKT chưa tạo được sự kết nối, hợp tác chặt chẽ do hiện nay nước ta vẫn chưa chính thức có chương trình phục hồi chức năng cho NKT. Và thực tế là NKT dù đã qua đào tạo vẫn rất khó tìm được việc làm, dẫn đến tâm lý chán nản, bế tắc, hệ lụy kéo theo là nguồn kinh phí đưa ra cho công tác đào tạo trở thành lãng phí, không sát thực tế .
Nhằm mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận các chính sách và các dịch vụ cho NKT thông qua việc đánh giá các quy định và luật pháp liên quan; tăng cường khả năng thực hiện và thực thi Luật Người khuyết tật và góp phần giúp NKT thoát nghèo, hòa nhập cộng đồng, xã hội, vừa qua, Thủ tướng đã ký Quyết định phê duyệt Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020. Theo đó, trong giai đoạn 2012 – 2015 sẽ nỗ lực đào tạo nghề và tạo việc làm phù hợp cho 250.000 NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động. Đến những năm 2016 - 2020, 100% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật; 50% người khuyết tật được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; Hỗ trợ triển khai giáo dục hòa nhập ở các cấp học thông qua việc xây dựng chương trình, tài liệu; bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý tham gia giáo dục trẻ khuyết tật; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trực tiếp dạy trẻ khuyết tật trí tuệ, khuyết tật nghe, nói, khuyết tật nhìn, khuyết tật ngôn ngữ, tự kỷ.... Đề án cũng sẽ nghiên cứu xây dựng và nhân rộng mô hình dạy, học nghề gắn với tạo việc làm cho NKT; xây dựng thí điểm mô hình phục hồi chức năng lao động tại một số tỉnh. Kinh phí dạy nghề cho NKT được bố trí trong Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề với mức hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học.
Đăng Doanh