Thay
mặt lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh Xã hội Hà Nội, Ông Nguyễn Thế
Hùng - Phó Giám đốc Sở cho biết: Hà Nội hiện nay có trên 90 nghìn người
khuyết tật, trong đó, số người khuyết tật tự tìm kiếm việc làm là rất
ít. Thời gian qua, đã có rất nhiều các tổ chức, đơn vị, cá nhân hỗ trợ
và giúp đỡ, quan tâm đến nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, thực tế thì đời
sống của người khuyết tật vẫn còn rất nhiều khó khăn. Họ cần nhiều hơn
nữa sự giúp đỡ kịp thời về mặt đời sống và nhất là được phục hồi chức
năng lao động, định hướng, hỗ trợ tạo việc làm để có thể ổn định lâu
dài. Và mô hình phục hồi chức năng lao động cho người khuyết tật sẽ là
cầu nối để họ có thể tham gia vào thị trường lao động hiện nay.
Tháng
12 năm 2011, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (HEIC) và Hội trợ
giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH) đã chính thức ký kết thực hiện dự
án này với thời gian là 3 năm (2012 – 2014) với mục đích tăng cường khả
năng của người khuyết tật trong chuẩn bị nghề nghiệp, tìm cơ hội việc
làm và duy trì việc làm phù hợp và bền vững. Đối tượng tham gia chương
trình bao gồm người khuyết tật đang sinh sống trên địa bàn Hà Nội tuổi
từ 16 đến 50 (bao gồm cả người khuyết tật đang có nguy cơ mất việc làm)
và người khuyết tật thực sự có nguyện vọng cần tìm một công việc phù
hợp. Chương trình đặc biệt khuyến khích phụ nữ khuyết tật tham gia.
Dịch
vụ phục hồi chức năng lao động của dự án bao gồm: phục hồi chức năng
thể chất; đào tạo nghề, đào tạo các kỹ năng tìm việc làm phù hợp, kỹ
năng cư xử với đồng nghiệp, với chủ doanh nghiệp. Người khuyết tật khó
khăn do khuyết tật vận động có thể được giúp đỡ phục hồi chức năng lao
động, cung cấp dụng cụ hỗ trợ đi lại, được hỗ trợ đào tạo để bồi dưỡng
nâng cao tay nghề.
Khi
tham gia vào dự án, người khuyết tật sẽ có cơ hội tìm được việc làm ổn
định, giúp khắc phục khó khăn về kinh tế cho gia đình và vị thế của
người khuyết tật dần được nâng cao. Và các doanh nghiệp sử dụng lao động
khuyết tật sẽ được biết đến nhiều hơn với hình ảnh một doanh nghiệp có
cam kết về trách nhiệm xã hội thông qua cộng đồng và các phương tiện
truyền thông.
Trong
thời gian từ tháng 1 đến tháng 6/2012, HEIC và VNAH đã tích cực chuẩn
bị các điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực, đào tạo về chuyên môn để
thực hiện dự án cũng như tích cực xây dựng mạng lưới và thông tin tuyên
truyền. Cho tới nay, về cơ bản, Dự án đã được thực hiện đầy đủ với các
chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy và bước đầu áp dụng vào thực tiễn.
Đại
diện HEIC cho biết, các hoạt động khởi động của dự án đã thu được những
kết quả khả quan. Đó là: tổ chức 2 hội thảo lấy ý kiến về xây dựng dự
án; tập huấn về kiến thức và quy trình tổ chức thực hiện dự án cho 25
lượt cán bộ; xây dựng và hoàn thiện bộ tài liệu về dự án (xây dựng kế
hoạch mô hình cung cấp dịch vụ Phục hồi chức năng lao động cho người
khuyết tật, cẩm nang các mẫu đơn, bản kế hoạch cá nhân, các mẫu đánh giá
và tờ thông tin tuyên truyền…); Ký thỏa thuận hợp tác với Hội người
khuyết tật Hà Nội và Hội đồng Dải băng xanh để triển khai thực hiện mô
hình; đi thăm và làm việc tại 28 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và có 18
đơn vị đã chính thức đăng ký tham gia vào mạng lưới của Dự án.