Cô giáo như mẹ hiền
Tham gia công tác chăm sóc
trẻ em khuyết tật gần 15 năm, chị Hoàng Thị Minh (56 tuổi) được xem là
người có thâm niên hoạt động lâu nhất tại Trung tâm Phục chồi chức năng
trẻ em khuyết tật tỉnh. Dẫn tôi đi thăm từng phòng tập chức năng, chị
kể: “Trước đây, khi chưa có trung tâm, tôi và nhiều chị em phải tham gia
công tác cộng đồng, đến từng hộ có trẻ khuyết tật trên địa bàn thành
phố nhằm vận động gia đình tham gia các lớp tập huấn kỹ năng chăm sóc
trẻ khuyết tật cơ bản, giúp các bậc phụ huynh có thêm kiến thức để chăm
sóc trẻ em. Đến 2005, Hội Từ thiện tỉnh Quảng Trị được dự án Caritas
(CHLB Đức) hỗ trợ, xây dựng hai trung tâm phục hồi chức năng tại TP.
Đông Hà và xã Cam Nghĩa (Cam Lộ), nên công việc được thuận lợi hơn...”.
Hiện
tại, trung tâm đảm nhận chăm sóc, dạy dỗ cho hơn 20 em khuyết tật đến
từ các gia đình trên địa bàn thành phố Đông Hà, với mức hỗ trợ 20.000
đồng/em/ngày. Công việc khó khăn, vất vả bởi các em ở đây đa phần đều
mắc những chứng bệnh khá đặc biệt, khó kiểm soát được ý thức: bệnh down,
chậm phát triển trí tuệ, bại liệt, giác quan suy giảm... nếu không quan
tâm các em với tình thương của một người mẹ thực sự, thì những người
như chị Minh khó lòng bám trụ với công việc lâu dài đến vậy.
Chị Nguyễn Thị Huệ (61 tuổi) cộng tác viên tại trung tâm chia sẻ: “Tuy
vất vả nhưng chúng tôi đều xem các cháu như con em mình để tự nguyện săn
sóc. Nhiều lúc thời tiết thay đổi, có cháu bệnh tình tái phát, không ăn
được gì mà khóc cả ngày, nhìn thương chảy nước mắt nhưng cũng chỉ biết
đợi bác sĩ phụ trách về khám...”
Ngoài nhiệm vụ quản lý, nhiều bảo mẫu tại trung tâm còn phối hợp tổ chức
các trò chơi thể thao giải trí, cầu lông, cờ vua, bóng đá, giao lưu văn
nghệ... tạo hứng thú cho các em sau những giờ tập luyện.
Công việc hàng ngày của các bảo mẫu ở đây là chăm sóc, vệ sinh, ăn uống,
dạy dỗ trẻ. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng để chăm sóc một em nhỏ khuyết
tật là cả một sự nỗ lực rất lớn, nhất là khi trung tâm lại đảm nhận hàng
chục em. Vừa đưa cánh tay bị sưng tấy, thâm tím, chị Lê Thị Minh Đức
(60 tuổi) kể: “Một số em mắc bệnh thần kinh, nên nhiều khi khó kiểm soát
hành động của mình, có lúc tôi bất ngờ bị các em bấu véo, cơ thể mình
đau thì ít, mà thương các em thì nhiều...”.
Sáng mãi một tình thương
Đối
với các bảo mẫu ở đây, khó khăn nhất là với những em suy giảm trí tuệ,
mặc dù tuổi đời đã gần 20, nhưng vẫn chưa ý thức được về thế giới xung
quanh, có em nhiều khi bỏ chạy đi chơi khỏi trung tâm cả ngày trời khiến
mọi người lo lắng, phải nhờ đến cả công an phối hợp tìm giúp. Tế nhị
nhất là việc giúp một số em thiểu năng đi vệ sinh, đa phần các cô giáo ở
đây đều có tuổi, vóc dáng người lại khá nhỏ, bên cạnh đó nhiều em
khuyết tật có em lại cao đến 1,7 m, nặng gần 70 kg đã trưởng thành về
mặt sinh lý, đối với các em nam nhiều cô giáo trẻ còn ái ngại, các cô
tại trung tâm phải tập cho các em thói quen tiểu tiện, đại tiện khoảng
từ 30 phút, rồi 1 tiếng... nhưng nhiều em vẫn chưa quen hẳn.
Nhờ những tình thương đó mà nhiều em sau một thời gian được chăm sóc tại
trung tâm đã có những tiến bộ rõ nét. Có những em từ việc nằm một chỗ
nay đã vận động được chân tay bằng những động tác cơ bản. Đặc biệt,
nhiều em đã quen dần với lịch sinh hoạt giờ giấc tại trung tâm nên tình
trạng quậy phá, chạy nhảy lung tung cũng dần ít đi. Nhờ tiếp xúc dịu
dàng với tình thương hàng ngày của những người mẹ, nên thay cho sự cộc
cằn, thô lỗ ban đầu, đến nay nhiều em trở nên ngoan ngoãn và rất biết
vâng lời.
Chị Nguyễn Thị An (46 tuổi), trú tại phường 5, TP. Đông Hà chia sẻ: “Gia
đình tôi có 1 đứa con bị bại liệt từ lúc bé, được đưa vào chăm sóc tại
trung tâm 4 năm nay. Được sự dạy dỗ, chăm sóc tận tình của các cô ở
trung tâm mà sức khỏe cháu đến nay được cải thiện đáng kể, ít đau ốm.
Hơn nữa vào đây được gặp gỡ, giao tiếp với những người cùng cảnh ngộ,
tôi cũng thấy vơi bớt nỗi buồn...”
Cô Hoàng Ngọc Minh tâm sự, vào những lúc mưa to, gió lớn, lớp học chỉ
lác đác vài ba em nhưng các bảo mẫu vẫn chăm sóc các em nhiệt tình.
Nhiều cô vì quá gắn bó, lại lo cho các em ở nhà không biết tình hình sức
khỏe có ổn định không, nên nhiều khi phải chạy về tận gia đình các em
hỏi thăm mới an tâm.
Xã hội ngày càng phát triển, công việc hiện tại của những người như cô
Minh, cô Đức, cô Huệ... không phải lúc nào cũng là lựa chọn của số đông.
Vậy nhưng các cô vẫn kiên trì, không quản ngại vất vả gắn bó với các em
suốt nhiều năm trời. Bởi với họ, điều hạnh phúc nhất đó chính là được
trông thấy nụ cười rạng rỡ nở trên môi những phận đời kém may mắn.
Bác sĩ Võ Thị Ngọc Diêu, Phó Chủ tịch Hội Từ thiện tỉnh cho biết: “Dự án
phục hồi chức năng do hội phối hợp với tổ chức Caritas đã chăm sóc được
258 đối tượng trên địa bàn hơn 20 xã, phường trên toàn tỉnh, góp phần
trong công tác giúp người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói
riêng sớm được hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho xã hội. Đội ngũ những
người làm công tác này, hơn ai hết luôn coi các em như là con cháu ruột
thịt trong gia đình. Bởi lẽ nếu không có tình thương thì sẽ khó lòng
đảm nhận nhiệm vụ vừa khó khăn lại cao cả như thế này...”.