Nâng cao quyền tiếp cận giao thông cho người khuyết tật

03/01/2013 02:52

Đối với người khuyết tật (NKT), nhu cầu đi lại và tham gia giao thông, ngoài tính phổ biến áp dụng như mọi thành viên bình thường khác của xã hội, còn có tính chất hết sức bức thiết, bởi vì đó là một trong những phương tiện để NKT được tiếp cận với các cơ hội thông tin, việc làm, vui chơi giải trí, nhu cầu hòa nhập xã hội và phục hồi chức năng. Hơn thế, giao thông cũng là một trong những phương tiện thể hiện quyền bình đẳng của NKT trong xã hội.

Nâng cao quyền tiếp cận giao thông cho người khuyết tật

Nhận thức rõ tầm quan trọng của giao thông trong đời sống sinh hoạt của NKT, bước sang Thập kỷ thứ hai của NKT, Uỷ ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (UNESCAP) đã đưa mục tiêu xây dựng môi trường tiếp cận giao thông vận tải cho NKT thành 1 trong 7 lĩnh vực ưu tiên của Chương trình hành động Thiên niên kỷ Biwako 2002.

Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên vấn đề đi lại, tham gia giao thông của NKT, như Điều 26 Pháp lệnh về NKT nêu rõ việc đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo công trình nhà ở, công trình công cộng… phải tính đến nhu cầu sử dụng của người tàn tật; Nghị định 55/1999/NĐ-CP quy định điều 16, khoản 4: “Bộ GTVT quy định chế độ ưu tiên khi đi tàu xe công cộng và giảm, miễn cước phí, miễn phí vận chuyển xe lăn, xe đẩy phục vụ sự di chuyển áp dụng cho NKT”; Trong Luật Giao thông đường bộ 23/2008, ở khoản 18, 19 Điều 3 giải thích từ ngữ có đề cập đến phương tiện giao thông cơ giới và thô sơ đường bộ mà NKT sử dụng. Điều 11 khoản 4 quy định “…nhường đường cho người đi bộ và xe lăn của NKT qua đường”. Điều 33: NKT, người già yếu tham gia giao thông… Điều 44, khoản 1 quy định: Công trình đường bộ xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo phải bảo đảm NKT đi lại an toàn thuận tiện”. Điều 59, khoản 3 quy định: “NKT điều khiển xe mô tô dùng cho NKT được cấp giấy phép lái xe hạng A1”. Điều 79, khoản 5: “UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về vận tải hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại của NKT”; Luật đường sắt 35/2005: Điều 21, khoản 1 quy định: “Ga hành khách phải có công trình dành riêng phục vụ hành khách là NKT”; Điều 43, khoản 3 quy định: “Trên toa xe khách phải có… thiết bị phục vụ người khuyết tật; Điều 97, khoản 2 quy định: Doanh nghiệp đường sắt có nghĩa vụ “Phục vụ hành khách văn minh, lịch sự, chu đáo và tổ chức lực lượng phục vụ hành khách là NKT vào ga, lên tàu, xuống tàu thuận lợi”…; Trong Luật Người khuyết tật có nêu rõ quyền của NKT được tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; được tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin... Bên cạnh đó, khi tham gia giao thông bằng các phương tiện giao thông công cộng, NKT sẽ được ưu tiên mua vé, sử dụng các phương tiện hỗ trợ hoặc sự trợ giúp tương ứng; được phép mang theo và miễn phí khi mang phương tiện, thiết bị hỗ trợ phù hợp. NKT đặc biệt nặng và NKT nặng được miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng một số phương tiện giao thông công cộng theo quy định của Chính phủ. Điều 42 Luật NKT cũng quy định phương tiện giao thông công cộng để NKT tiếp cận sử dụng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giao thông tiếp cận do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành; phải có chỗ ưu tiên cho NKT; có công cụ hỗ trợ lên, xuống thuận tiện hoặc sự trợ giúp phù hợp với đặc điểm của NKT...
Nhằm cụ thể những quyền này, ngày 10/4/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật. Như vậy, về mặt pháp lý, NKT đã được pháp luật ưu tiên một số quyền cơ bản khi tham gia giao thông bằng các phương tiện giao thông công cộng. Hiện nay, qua khảo sát của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, các công trình giao thông như đường bộ, nhà ga, xe buýt một số nơi đã có đường và phương tiện nâng đỡ, giúp NKT có thể đi lại tốt hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế và cũng theo phản hồi của bản thân người khuyết tật, các hình thức hỗ trợ chỉ mới tập trung cho những người bị khiếm khuyết vận động. Đó là chưa kể có trường hợp một số nhân viên phục vụ trên các phương tiện giao thông công cộng không mấy mặn mà khi phải bố trí, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện cho NKT; có trường hợp còn có thái độ thiếu văn hóa với họ. Trong các hình thức ưu tiên, có lẽ việc miễn – giảm giá vé, giá dịch vụ sẽ dễ đi vào cuộc sống hơn cả bởi được quy định, công bố thực hiện công khai. Những vấn đề còn lại có được thực hiện để giúp NKT tiếp cận giao thông hay không lại phụ thuộc nhiều vào yếu tố chủ quan của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải công cộng và chính những người bình thường tham gia giao thông công cộng.
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn hướng dẫn việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về NKT trong lĩnh vực giao thông vận tải. Theo chức năng nhiệm vụ được phân cấp, Bộ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trực thuộc tiến hành thực hiện. Cụ thể: Về lĩnh vực xây dựng cơ bản, các cơ quan được giao quản lý, khai thác sử dụng công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, nhà ga, bến xe, bến tàu và công trình hạ tầng kỹ thuật khác có trách nhiệm rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện cải tạo công trình bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật theo lộ trình quy định tại khoản 1, Điều 13 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP. Vụ Kế hoạch Đầu tư, Cục Quản lý xây dựng và quản lý công trình giao thông và các cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế, nghiệm thu các công trình cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới phải tuân thủ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng để đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng. Về lĩnh vực vận tải, giao Sở GTVT đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách công cộng trong phạm vi quản lý. Thực hiện miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ giao thông công cộng theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP. Rà soát, thống kê đánh giá thực trạng phương tiện giao thông công cộng chưa bảo đảm quy chuẩn về giao thông tiếp cận; xây dựng kế hoạch trang bị, cải tạo phương tiện giao thông công cộng bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận theo quy định Điều 14 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP. Bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp hành khách là NKT lên, xuống phương tiện giao thông tiếp cận. Phương án trợ giúp phải được thông báo tại các ga, bến đón, trả hành khách ở nhũng nơi dễ thấy. Vụ tài chính phối hợp với các cơ quan có liên quan để xuất chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn đối với doanh nghiệp đầu tư, cải tạo phương tiện giao thông bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận. Đặc biệt, để triển khai có hiệu quả Luật NKT phải hoàn thiệt hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn giao thông tiếp cận.
Ngày 5/8/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 với mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để họ vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội. Trong lộ trình thực hiện, đề án có đưa ra các chỉ tiêu cụ thể để hỗ trợ NKT trong tiếp cận giao thông, như trong giai đoạn 2012 – 2015, ít nhất 50% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT; ít nhất 50% NKT có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương… Đến giai đoạn 2016 – 2020, chỉ tiêu mở rộng với độ bao phủ gần như tối đa cho đối tượng này.
Để đạt được mục tiêu trên, đề án cũng quy định các bộ ngành chức năng phải tập trung triển khai các hoạt động: Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về giao thông tiếp cận để NKT có thể tiếp cận, sử dụng; Xây dựng các tuyến mẫu và nhân rộng các xe vận tải hành khách công cộng để NKT tham gia giao thông; Xây dựng các chương trình, giáo trình, tài liệu và tập huấn cho lái xe phục vụ hành khách là NKT sử dụng phương tiện giao thông; Hỗ trợ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất thử nghiệm thiết bị, công cụ và phương tiện giao thông để NKT tham gia giao thông thuận tiện.
Đăng Doanh
;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll