Theo Cục Bảo trợ xã hội, hiện nay, số người cần có sự trợ giúp xã hội trên cả nước lớn, chiếm trên 20% tổng dân số, bao gồm nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là người khuyết tật. Ước tính số lượng NKT tại Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người, trong đó có 3,6 triệu là nữ và hơn 5 triệu người sống ở nông thôn, khoảng 1,2 triệu trẻ em khuyết tật. Tuy nhiên, theo ước tính của tổ chức Y tế thế giới (WHO) NKT Việt Nam chiếm khoảng 10% dân số, tương đương 8,6 triệu người, trong đó khoảng 2 triệu là trẻ em. Tỉ lệ khuyết tật trên dân số dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng lên do những nguyên nhân xuất phát từ ảnh hưởng hệ quả của quá trình phát triển xã hội, tai nạn, ô nhiễm môi trường và do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh hoặc do thất lạc vũ khí.
Thực tế cho thấy, ở nước ta, NKT luôn là mối quan tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng thể hiện qua quan điểm đường lối chỉ đạo và hệ thống các văn bản pháp luật, chương trình, chính sách trợ giúp xã hội cho NKT.
Đại diện Cục Bảo trợ xã hội đánh giá tổng thể hiện trạng và giải pháp cơ sở dữ liệu quốc gia về NKT và nạn nhân bom mìn
Đặc biệt, sự quyết tâm và cam kết này còn được thể hiện ở việc Việt Nam tham gia ký kết Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật. Đến nay, với tinh thần đảm bảo tạo mọi cơ hội cho NKT tham gia, hòa nhập vào cộng đồng và có thêm cơ hội phát triển khả năng của bản thân đóng góp vào quá trình phát triển của đất nước, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, chương trình trợ giúp NKT và gia đình NKT nói chung và nạn nhân bom mìn, bao gồm: Luật người khuyết tật; Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/04/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật; Nghị định số 67/NĐ-CP ngày 13/04/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 13/2010/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 67/NĐ-CP; Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/03/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020; Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 21/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 và Quyết định số 738/QĐ-TTg ngày 13/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn đến năm 2015.

Ông Lê Văn Chương – Đại diện Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam chia sẻ thực trạng khó khăn trong việc thống kê số liệu nạn nhân bom mìn tại VN hiện nay
Tuy nhiên, theo ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, trong quá trình thực hiện, công tác hỗ trợ NKT và nạn nhân bom mìn còn gặp nhiều khó khăn, một trong số đó là hiện chưa có một hệ thống thông tin toàn diện mang tính hệ thống. Các số liệu về NKT được rất nhiều Bộ, ngành, đơn vị, tổ chức thu thập, báo cáo theo mục tiêu, mục đích, nguyên nhân gây ra các dạng khuyết tật khác nhau mà chưa đưa vào một hệ thống quản lý chung, biểu mẫu thống nhất để có thể sử dụng, phân tích số liệu phục vụ cho việc dự báo, xây dựng chiến lược, chính sách, và triển khai thực hiện hiệu quả để trợ giúp NKT trong đó có nạn nhân bom mìn. Như vậy, “để có thể hỗ trợ được NKT và nạn nhân bom mìn một cách hiệu quả và đáp ứng đúng nhu cầu, rất cấp thiết phải nhìn rõ thực trạng cụ thể về hệ thống thông tin về các dạng khuyết tật hiện có và đề xuất cải tiến hoặc xây dựng hệ thống hệ thống thống nhất và phù hợp” – ông Tô Đức nhấn mạnh.

Đại diện Hội trợ giúp NKT Việt Nam (VNAH) chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ thống thông tin về NKT, nạn nhân bom mìn
Thông qua hội thảo này cũng sẽ đóng góp thông tin giúp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội và các lộ trình thực hiện nhằm cung cấp các dịch vụ trợ giúp toàn diện, lũy tiến và bền vững hơn cho người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương như NKT và nạn nhân bom mìn.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận, đánh giá tổng kết, thể hiện trạng hệ thống thông tin về tai nạn giao thông tại Việt Nam, xây dựng hệ thống thông tin về nạn nhân bom mìn, một số đề xuất về việc xây dựng hệ thống thông tin cũng như chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ thống thông tin về nhóm đối tượng này. Đồng thời, các đại biểu đã thảo luận Kế hoạch tổng thể trợ giúp nạn nhân bom mìn giai đoạn 2016-2020.
Được biết, UNDP đã hỗ trợ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thông qua Dự án Cải thiện hệ thống TGXH (SAP) triển khai nghiên cứu rà soát thực trạng và đề xuất định hướng xây dựng hệ thống thông tin thống nhất về người khuyết tật (NKT), trong đó có nạn nhân bom mìn.