Phát biểu tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ- TBXH nhấn mạnh mục đích của hội thảo là nhằm đánh giá hiện trạng công tác phục hồi chức năng nghề nghiệp hiện nay của người khuyết tật và các nhóm đối tượng yếu thế tại Việt Nam; chia sẻ những kinh nghiệm của quốc tế trong việc dạy nghề, tạo việc làm và phục hồi chức năng lao động của người khuyết tật, trên cơ sở đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị phù hợp.
Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam hiện có 7,2 triệu người khuyết tật, trong đó có 3,6 triệu là nữ, hơn 5 triệu người sống ở nông thôn, khoảng 1,2 triệu trẻ em. Tỉ lệ người khuyết tật ở Việt Nam dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới do nhiều nguyên nhân khách quan như tai nạn, ô nhiễm môi trường. Đảng, Nhà nước và cộng đồng rất quan tâm đến người khuyết tật. Cùng với quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, chương trình trợ giúp người khuyết tật và gia đình họ nhằm tạo mọi cơ hội cho người khuyết tật tham gia hoà nhập vào cộng đồng và có thêm cơ hội phát triển khả năng của bản thân như: Bộ luật Lao động, Luật Người khuyết tật, tham gia ký kết Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật…
Suốt mấy thập kỷ vừa qua, xã hội Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức, thái độ và hành động vì người khuyết tật. Người khuyết tật không còn bị coi là gánh nặng của xã hội. Mọi vấn đề có liên quan đến người khuyết tật đang được xem xét dưới góc độ quyền con người, trong đó bao gồm các quyền bình đẳng, quyền được sống một cuộc sống đầy đủ và được tôn trọng phẩm giá. Người khuyết tật cũng được tạo điều kiện thuận lợi, được hỗ trợ tham gia lao động, sản xuất, đóng góp cho sự phát triển xã hội theo khả năng và trình độ của mình.
Tuy nhiên, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng nghề nghiệp cho người khuyết tật lạc hậu; thiếu trang thiết bị y tế, phục hồi chức năng phù hợp cho người khuyết tật; thiếu các dịch vụ trị liệu tâm lý, lao động trị liệu, phục hồi chức năng; mức chi hỗ trợ học nghề, tạo việc làm thấp; số lượng người khuyết tật được quản lý trường hợp, được tiếp cận các dịch vụ phục hồi chức năng nghề nghiệp còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người khuyết tật.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, hiện cả nước đã có 40 cơ sở đào tạo nghề CTXH nhưng chưa có trường nào đi sâu vào đào tạo cán bộ, giảng viên cho lĩnh vực phục hồi chức năng việc làm cho người khuyết tật. chúng ta chỉ đào tạo tư vấn một cách chung chung, cho mọi người. Hiện chúng ta còn thiếu các cơ sở, các trung tâm thực hiện việc hỗ trợ PHCN việc làm, mà chỉ có các trung tâm thiên về y tế, ở đó có các bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh viện chỉnh hình chứ chúng ta không có các chuyên gia về mặt xã hội, thiếu hẳn và chưa có đào tạo sâu cho từng chuyên ngành và thậm chí là cho từng dạng khuyết tật, đó là những khoảng trống trong đào tạo. “Việc đào tạo của các trường tới đây phải bám sát yêu cầu thực tế. Ngoài việc coi trọng lý thuyết trong đào tạo, cần đặc biệt lưu ý vấn đề thực hành. Phải đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn nhất định, đào tạo thành những cán bộ chuyên nghiệp. Các cán bộ kiểm định, đánh giá phải được quan tâm…” – Thứ trưởng Đàm nhấn mạnh.