Đi tour với người điếc

06/03/2013 10:33

Cùng Phạm Xuân Nguyên nhảy tour Phnom Penh với một nhóm trẻ câm điếc. Một chuyến đi vỡ mở nhiều... giá trị câm!

Đi tour với người điếc

Từ Sài Gòn giản đơn thật, xe bus 6 tiếng đã ngạo nghễ giữa Phnom Penh. Một chuyến xe đa phần toàn những bạn trẻ điếc câm. Trong đó phần lớn đang là sinh viên khoa điếc Đại học Đồng Nai.

Ngại ngần. Tưởng khó giao lưu và hòa nhập nổi, không dè chẳng mấy chốc đã học được vài ngôn ngữ cử chỉ cơ bản đủ để trò chuyện vài câu xã giao. Và họ cũng nhanh chóng hiểu chúng tôi, nhiều khi chỉ từ ánh mắt.

Biết rồi, hiểu rồi lại không muốn nói nữa. Lặng lẽ ngồi nhìn những đứa trẻ nói bằng tay một cách thích thú.

Cô nàng điếc

Đỗ Thị Thanh, cô bé 26 tuổi dáng thấp nhỏ nhưng hoạt bát, lanh lợi tạo cho tôi nhiều ấn tượng. Thanh đóng vai trò phiên ngôn đồng thời là MC hướng dẫn suốt hành trình câm điếc kỳ thú này.

Z2

Câu chuyện đầu tiên về "giá trị câm" Thanh kể cho chúng tôi là một mẩu đố vui:

"Một bầy chim đang đậu trên cành. Bất thần một loạt đạn vang lên. Cả bầy hốt hoảng bay tán loạn. Riêng một con vẫn bình thản rỉa cánh, ung dung tự tại. Đố bạn vì sao?

Vì đó là con chim điếc"

Vừa trả lời, Thanh vừa kết một câu rất hùng hồn : Không phải lúc nào biết nghe cũng là hay. Có những trường hợp, điếc vẫn hơn !

Thanh nói nhiều, nói một cách say sưa miệt mài và hào hứng về những "giá trị điếc câm" mà theo Thanh : những người nghe nói như chúng tôi không có được.

Tôi dè dặt hỏi Thanh :

- Chú, và nói chung ai cũng vậy, lâu nay luôn tế nhị gọi những người câm điếc là "người khiếm thính". Tại sao cháu không ngại mà lại cứ một câu là "người điếc", hai câu là "người câm" một cách hồ hởi vậy?

- Đấy là một cách hiểu sai lầm. Người điếc và người câm không chấp nhận xã hội xem họ là đối tượng khuyết tật. Vì thế không nên gọi họ là khiếm thính. Họ biết nghe và biết nói theo cách của họ cơ mà. Họ có ngôn ngữ riêng, đó là ngôn ngữ ký hiệu. Ký hiệu của người điếc câm có đầy đủ đặc trưng của một loại ngôn ngữ. Không thể nói là họ không nghe không nói được. Hiểu thế là rất rất sai!

Ngạc nhiên hơn khi nghe Thanh nói: cháu cũng điếc đấy! Hóa ra Thanh là sinh viên năm 2 khoa điếc Đại học Đồng Nai.

- Điếc thế sao từ sáng đến giờ chú nói gì cháu cũng nghe?

- Là cháu nhìn vào cách mép môi của chú.

Có ai tin điều này không, nhưng đó là sự thật. Một sự thật khiến tôi sững người thích thú trước "cô nàng điếc" đặc biệt này. Thanh không nghe được, nhưng chỉ nhìn vào cách mép môi của người đối diện là biết họ nói gì, không sai câu nào.

- Thế chú gọi thẳng cháu là cô nàng điếc được không?

- Ok. Nhưng không được gọi là cô nàng bị điếc. Điếc không phải là bị, chữ "bị" là điều tối kỵ. Và càng không nên gọi là "khiếm thính".

Thoáng giật mình khi nghe Thanh nói. Ừ nhỉ, hay biết đâu họ không thèm nói, không thèm nghe theo cách của chúng ta?

Z3
 
Z4
 
Z5
Đỗ Thị Thanh, sinh viên năm 2 khoa điếc Đại học Đồng Nai

Tiệc câm

Tên đúng của cuộc tiệc tối kỳ thú này là "tiệc vô ngôn". Nhưng tôi không thích chữ "vô ngôn", tôi thích gọi đó là: tiệc câm!

Một buổi tiệc đặc biệt tại nhà hàng sang trọng giữa trung tâm Phnom Penh. Cuộc gặp gỡ giao lưu giữa hai cộng đồng điếc câm Việt Nam- Campuchia.

Không còn rào cản bất đồng ngôn ngữ như người nói. Lặng lẽ chào hỏi, lặng lẽ giao lưu, lặng im chọn thức ăn, lặng im cụng ly, và vui cười pha trò cũng im lặng. Tất cả là cử chỉ, là ngôn ngữ ký hiệu. Không lời nói, không ồn ào, không âm nhạc, không hát hò. Họ hát bằng tay, bằng mắt, bằng nụ cười, bằng dáng điệu cử chỉ. Và họ hoan hô cũng bằng những cánh tay vẫy.

Lần đầu tiên tôi dự một cuộc tiệc câm như thế. Ngạc nhiên và thú vị.

Vâng. Đúng ra nên gọi là "tiệc câm" chứ không phải "vô ngôn". Bởi sự im lặng, sự điếc câm đâu phải là vô ngôn. Ngôn ngữ ký hiệu của bữa tiệc câm chẳng đã nói được nhiều điều cần hơn sự nói, cần hơn sự hò hét náo loạn sao?

Gần 3 tiếng tiệc, ngồi nhìn các bạn trẻ ăn nhậu, hát hò, giao lưu theo cách câm lặng thế, đôi lúc tôi cứ bần thần tự hỏi: phải chăng nhiều khi lời nói là sự thừa thãi?

Z6
 
Z7
 
Z8
 
Z9
 
Z10

Lâm trở lại

Ngạc nhiên đến thú vị khi biết "nhà tổ chức" cho cuộc tiệc vô ngôn và tour du lịch điếc này chính là gã nhà văn trẻ Nguyễn Nhật Lâm.

Z11Tôi biết và quen hơn một năm trước trong lần dự buổi giới thiệu tác phẩm đầu tay "Trở Lại" của Lâm tại Hà Nội.

Nguyễn Nhật Lâm là một nhân vật khá đặc biệt. Đang học đại học Bách khoa Hà Nội thì bỏ, nhảy sang Đại học Ngoại thương, nhưng rồi cũng bỏ nốt bởi "nhiều khi tự thấy đâu cứ nhất thiết phải... học?".

Bỏ học, về quê Thái Bình lập trại nuôi dế và trở thành tỷ phú với biệt danh "vua dế" Nhật Lâm.

Không dừng lại bằng lòng với ngôi vị "vua dế", Nguyễn Nhật Lâm vào Đà Nẵng và các tỉnh thành miền Trung làm dịch vụ, rồi lang bạt tận Bến Tre mở xưởng rượu dừa.

Cơ nghiệp một thời nức tiếng. Nhưng rồi đổ bể, phá sản. Lâm thành kẻ trắng tay.

Đổ vỡ, tan tành nghiệp doanh gia, Lâm khoác ba lô làm kẻ giang hồ lang bạt khắp nơi từ Trung Quốc đến Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonexia...

"Tôi đã đi và sống bằng rất nhiều công việc khác nhau, từ phục vụ quán ăn, dạy học, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên giao hàng, phụ hồ, đánh giầy, và thậm chí là ăn xin..." (trích lời tựa trong tác phẩm "Trở Lại" của Nguyễn Nhật Lâm)

"Trở Lại"- cuốn du ký của Lâm được viết từ chính những cuộc lang bạt giang hồ này. Nhận xét về tác phẩm đầu tay của Lâm, Phạm Xuân Nguyên viết: "Có một nét gần gũi của cuốn sách này với tác phẩm "Trên đường" (On the road) của Jack Kerouac. Đọc nó tôi muốn được là người trẻ đang đi, đang trên đường, dám chấp nhận mọi thử thách, va chạm, hiểm nguy để tìm ra sức mạnh trong mình, để được tự sống!"

Còn với Lâm thì tự nhìn nhận rằng: "Những con đường vẫn luôn chờ đợi, những ước mơ của bạn vẫn luôn khao khát được gọi tên. Giờ đây sau khi đi được chừng ấy chặng đường, tôi tự nhủ riêng mình rằng: khi ta bắt tay làm một việc gì đó, đừng cân nhắc xem mình chuyên nghiệp đến đâu, hãy biết mình thích nó đến độ nào, và bắt đầu thôi!"

Cũng chính từ những năm tháng lang bạt vật vưỡng ấy, Lâm nhận ra một điều: nếu ta muốn, nếu ta dám bắt đầu, dám khoác ba lô lên đường như Lâm, sẽ không có một rào cản bất đồng ngôn ngữ nào, cho dù khác màu da, chủng tộc, cho dù có thể không cần nghe không cần nói.

Đó là những giá trị ngôn ngữ cử chỉ vượt qua khoảng cách không lời.

Giá trị không lời từ những năm tháng phiêu bạt ấy đã nảy sinh trong Lâm ý tưởng tổ chức các bữa tiệc câm. Lâm vừa là tác giả ý tưởng vừa là nhà tổ chức cho 3 cuộc "tiệc câm" đầu tiên tại Việt Nam trong hai năm qua. Và đây là lần thứ 4. Lần này Lâm cho nó xuất ngoại hòa nhập với cộng đồng người điếc Campuchia.

Nghe nói sắp tới, Lâm đang định đem "tiệc câm" của mình tuần tự đến Thái Lan, Myanma và nhiều quốc gia khác.

Thật ra ban đầu ý tưởng của Lâm là làm tiệc câm cho người nói, nhưng khi tổ chức thì bất ngờ nhận được sự tham gia hưởng ứng quá nhiệt tình của cộng đồng người điếc.

Lâm đón tôi và anh Nguyên rất chân tình, nhưng không vồn vã kiểu nói nhiều như lần đầu gặp ở Hà Nội. Dường như Lâm cũng đã bắt đầu học được cách... câm, và nhiễm cái văn hóa điếc của cộng đồng những người bạn trẻ đặc biệt như cô nàng điếc Đỗ Thị Thanh.

Xong tiệc câm ở Phnom Penh, cả đoàn về. Lâm ở lại dẫn tôi và Phạm Xuân Nguyên tiếp tục chặng Siem Reap- Angkor.

Càng đi với Lâm, nhìn dáng hình nhỏ con thấp bé nhưng nhanh nhẹn thoăn thoắt với đôi giầy bata và chiếc ba lô bụi trên vai, càng ngộ Lâm có đôi chân và cặp mắt biết nói. Càng ngộ ra không phải lúc nào cũng cần nói và cần nghe.

Z12
Nguyễn Nhật Lâm
 
Z13
Trương Duy Nhất, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Nhật Lâm tại Angkor Wat

Đó là những giá trị câm hết sức bất ngờ và kỳ thú tôi đong nhận được qua bữa tiệc câm và tour du lịch ngắn cùng nhóm người điếc vừa qua tới Phnom Penh.

 

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll