Dự và chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Văn Hồi, Phó Cục trưởng cục Bảo trợ xã hội; ông Đặng Hữu Bình, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh. Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan truyền thông: Tạp chí LĐXH, Tạp chí GĐ&TE, Truyền hình kỹ thuật số VTC,… cùng đại diện các đơn vị liên quan.
Do sự thay đổi lối sống, phát triển kinh tế, thiên tai và sự ô nhiễm môi trường, cùng với sự hạn chế của hệ thống dịch vụ công tác xã hội, nên số người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần ngày càng gia tăng. Ước tính đến năm 2020, số người rối nhiễu tâm trí ở Việt Nam chiếm khoảng 10% dân số (tương đương 10 triệu người), trong đó số người mắc bệnh tâm thần thuộc diện bảo trợ xã hội khoảng 2,5% (tương đương 250.000 người). Điều này tạo sức ép rất lớn về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho đối tượng.

Các đại biểu tham dự hội thảo
Nhận thức rõ yêu cầu của việc hình thành một đội ngũ những người làm công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần chuyên nghiệp ở nước ta nhằm phát triển các hoạt động công tác xã hội, trợ giúp cộng đồng, ngày 22/7/2011, Thủ tường Chính phủ đã ban hành Quyết định 1215 phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu là “huy động sự tham gia của xã hội nhất là gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người tâm thần để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí bị bệnh tâm thần góp phần đảm bảo an sinh xã hội”. Trong đó, công tác truyền thông là hết sức quan trọng để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội về lĩnh vực trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho đối tượng này.
Tại hội thảo ông Nguyễn Văn Hồi, Phó Cục trưởng cục Bảo trợ xã hội nhấn mạnh vai trò của truyền thông đối với vấn đề trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí là hết sức quan trọng. Truyền thông có tác động to lớn đến nhận thức, hành động của cá nhân, tổ chức, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong việc tiếp nhận, hiểu và thực hiện về lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Vì vậy chúng ta cần phải đẩy mạnh phòng ngừa và thay đổi nhận thức, cách thức chăm sóc phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng.
Để công tác truyền thông đạt hiệu quả thiết thực, Kế hoạch truyền thông được xây dựng gồm các nội dung cụ thể: Truyền thống nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; tuyên truyền, hướng dẫn gia đình đối tượng về kiến thức và kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng; nâng cao nhận thức và năng lực truyền thông về công tác xã hội của đội ngũ báo chí, phát thanh truyền hình; Truyền thông, định hướng cho đối tượng và gia đình có nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội; Xây dựng các chương trình truyền hình – truyền thông cung cấp thông tin đa chiều về công tác xã hội trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí,..
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Trần Ngọc Diễn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội đánh giá cao công tác chuẩn bị cho kế hoạch truyền thông của Cục Bảo trợ xã hội, nội dung kế hoạch tương đối chi tiết, cụ thể. Tuy nhiên, Cục Bảo trợ Xã hội nên tổ chức cho phóng viên các cơ quan báo chí đi tìm hiểu thực tế ở các Trung tâm điều trị, nuôi dưỡng người bệnh tâm thần, như vậy mới có thể hiểu rõ về thế giới của họ để có những bài viết thực tế hơn và sâu sắc hơn.
Hội thảo cũng được nghe những tham luận, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần của một số đơn vị. Qua đó, hiểu thêm những khó khăn, thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần, từ đó có những biện pháp tuyên truyền, vận động toàn xã hội chung tay chăm sóc, bảo vệ người tâm thần, rối nhiễu tâm trí.
Minh Hiền