[LĐXH] Người thương binh nặng tình với con tôm, hạt lúa

20/05/2015 03:59

(LĐXH)- Hồi ức về chiến tranh luôn là cảm xúc “không thể nào quên” của “nhân chứng sống” – thương binh ¼ Trịnh Văn Tỷ (sinh năm 1946) tại khóm Khánh Nam, phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Chính vì thế, khi tâm sự với chúng tôi, ông đã không dấu nổi niềm tự hào xen lẫn những xúc cảm hoài niệm về một thời đạn bom, máu lửa.

[LĐXH] Người thương binh nặng tình với con tôm, hạt lúa

Quá khứ anh hùng 

 Người miền Tây nổi tiếng “phóng khoáng, hào sảng”, đó có lẽ là nhận định đúng khi nói về thương binh Trịnh Văn Tỷ - người con “rặt chất miền Tây” của quê hương Sóc Trăng. Gặp chúng tôi, chưa biết thân sơ thế nào nhưng ông đã niềm nở mời chào bằng cái bắt tay nồng đượm tình người sông nước Cửu Long. Rồi như đã quen từ lâu, ông dẫn chúng tôi đi thăm những vuông tôm, thửa lúa tít tắp thẳng cánh cò bay. Đó là gia tài cả một đời lao động chân chính của người thương binh vốn nặng nghĩa ân tình với cuộc đời, với mảnh đất quê hương.

  Nhớ về những ngày tháng oanh liệt, thương binh Trịnh Văn Tỷ tâm sự: “Tôi là con nông dân thế nhưng vì tích cực hoạt động mạnh trong đội đoàn ở địa phương nên đã nhanh chóng giác ngộ lý tưởng cách mạng. Năm 1965, lúc tôi tròn 19 tuổi – thời tuổi trẻ mê say muốn khẳng định “chí làm trai” nên tôi đã xung phong ra chiến trường. Đợt nhập ngũ đó, ở xứ này ngoài tôi ra còn có những thanh niên cùng chung lý tưởng nên ra trận với khí thế hào hùng”.

 

 Từ năm 1966-1970, ông Trịnh Văn Tỷ là chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Ông kể: “Ngay khi vừa được phân về đơn vị, tôi cùng đồng đội đã chiến đấu ở khắp các mặt trận Tây Ninh, Lào, Camphuchia…Mùa khô năm 1966, trong một trận giao tranh ác liệt với quân địch, tôi bị trúng pháo và bị thương nặng ở bả vai phải. Nhưng sau đợt điều trị tôi lại tiếp tục tham gia chiến đấu. Đến năm 1967, địch mở chiến dịch càn quét khốc liệt, bom B52 gầm rú ngày đêm khắp mặt trận tỉnh Bình Long cũ. Nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống. Bản thân tôi bị trúng đạn và lạc trong rừng hơn 3 ngày trời. Giây phút ấy, tôi chỉ còn nghĩ đến đồng đội còn sống và gắng gượng uống từng giọt sương đêm để mong còn được trở về chiến đấu”

“Cô biết không, có lúc tôi nghĩ mình đã chết thế nhưng không ngờ mình được đồng đội cứu?” – thương binh Trịnh Văn Tỷ ngừng lại hỏi tôi bằng con mắt sáng còn lại. Con mắt ánh lên niềm khắc khoải nhớ thương những đồng đội “cùng vào sinh ra tử” hay con mắt chứa chan niềm tin lý tưởng của người chiến sĩ kiên cường mà bao tháng năm trôi qua, tuổi già kéo đến vẫn không mờ đục

Mặc dù may mắn được cứu sống nhưng các y bác sỹ của bệnh viện dã chiến trong rừng vẫn không thể cứu chữa được con mắt phải cho ông Trịnh Văn Tỷ. Ông chia sẻ “Tôi may mắn hơn, còn lành lặn để trở về với gia đình. Kí ức thời chiến trong tôi là những là giây phút cùng đồng đội xả thân trong những trận “oánh” oai hùng. “Còn hai con mắt khóc người một con”- đồng đội của tôi ơi!”.

 Một khoảng không gian lặng yên, thời gian như ngừng lại.... Chiến tranh đã lùi xa, kí ức của những ngày tháng đạn bom gây xúc động mạnh cho ông. Rồi cũng chính thương binh Trịnh Văn Tỷ xóa tan không khí đó. Ông nói với chúng tôi: “Mất hơn 1 năm điều trị, tôi được giám định tỷ lệ thương tật trên 81%. Vì thế, sau khi bình phục tôi được cử đi học lớp y tá và được phân về bệnh viện K77A công tác trong 2 năm (1969- 1970). Gần 10 năm (từ năm 1971 -1979) tôi được đưa đi điều dưỡng ở tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa rồi Bà rịa – Vũng Tàu. Sau đó, tôi xin về quê lập nghiệp”. 

 Làm giàu từ tôm, lúa

Trở về quê hương, lúc đó, cuộc sống gia đình ông gặp không ít khó khăn. Bản thân ông do sức khỏe yếu lại bị bệnh tật hành hạ giai dẳng. Người vợ và đứa con gái nhỏ trước đây sinh sống ở Thanh Hóa (ông lập gia đình trong thời gian an dưỡng ở Thanh Hóa) cũng về lại quê Sóc Trăng. Ông bộc bạch: “Vợ chồng tôi khi đó được bố mẹ để lại 15 công đất trồng lúa. Cuộc sống gia đình cứ “thiếu trước hụt sau”. Rồi khó khăn lại chồng chất khó khăn khi lần lượt 4 đứa con ra đời, đều tuổi ăn, tuổi học. Cả hai vợ chồng cùng đứa con gái đầu buộc phải nghỉ học giữa chừng để ngày ngày bám ruộng không quản nắng mưa mong sao xoay xở đủ ăn”.

Ông trời đã không phụ lòng người, sau những ngày khó nhọc đó, ông Trần Văn Tỷ cùng gia đình đã vượt qua cuộc sống khó khăn. Ông kể: “Làm lúa không có lãi nhiều nhưng có gạo ăn và trên hết chính những hạt lúa quê hương đã nuôi sống gia đình tôi, giúp tôi có tiền cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Tôi nhớ có vụ lúa trúng với năng suất cao đã có thể tích lũy được ít vốn làm ăn”.

 Tuy nhiên, ông nói vui: “Nếu cứ bám vào ruộng lúa mà không nhanh nhạy chuyển đổi sản xuất, kết hợp nuôi thêm con tôm thì gia đình tôi không được khá giả như hôm nay”. Chính lòng quyết tâm và khát vọng làm giàu, đến năm 1999, ông cùng gia đình mạnh dạn thả nuôi tôm trên chính diện tích vừa thu hoạch lúa của gia đình. Vụ tôm đầu tiên, ông Trịnh Văn Tỷ phải mày mò, tốn bao công sức chăm sóc từ lúc thả giống đến khi thu hoạch. Ông nhớ lại: “Hồi đó, tôi nuôi tôm tự nhiên, mọi sự đều trông ở ông trời. Thế nên, có vụ thì trúng nhưng cũng có vụ thua trắng. Bà con nông dân khổ lắm, làm nông theo kiểu “hên xui”!

 Đến năm 2000, ở Sóc Trăng bắt đầu rộ lên phong trào nuôi tôm sú. Vì đã có kinh nghiệm nuôi tôm luân canh trồng lúa nên ông cùng gia đình chuyển sang nuôi tôm sú cùng bà con trong khóm. Vụ tôm sú đầu tiên,  ông đã mạnh dạn vay ngân hàng được 30 triệu đồng để mua giống, thức ăn và cải tạo hầm nuôi. Lúc đầu, ông thả nuôi 30.000-40.000 con giống và sau 3 tháng thì thu hoạch, giá bán tùy thị trường có lúc cao lúc xuống. Nhưng cũng tạm ổn, trừ chi phí cũng lãi khoảng vài ba triệu đồng/vụ.

Tiếp tục đà làm ăn có lãi, từ những năm 2005-2008, quy mô sản xuất luân canh vụ lúa – vụ tôm của gia đình ông ngày càng mở rộng và đạt kết quả kinh tế. Nhất là trong các vụ nuôi tôm, có thời điểm vì giá bán cao, ông và gia đình lại tiếp tục chuyển đổi từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ. Do giá bán tôm thẻ cao hơn, dù kinh phí bỏ ra lớn hơn nhưng được giá thì có lãi nhiều.  Ông Tỷ cho biết: “Nếu lúc đầu, ông chỉ dám thả nuôi số lượng con giống ít thì các vụ tôm sau, ông và gia đình đã thả con giống tăng từ 50.000- 60.000 con rồi thả dày lên từ 100.000-200.000 con giống. Có vốn và bỏ chi phí đầu tư cao hơn nhưng khi bán được giá có thể đạt 300- 400 triệu/vụ”.

Hiện kinh tế gia đình ông Trịnh Văn Tỷ đã ổn định và ngày càng phát triển. Bình quân mỗi vụ lúa-tôm, gia đình ông thu nhập từ 200- 300 triệu đồng/vụ. Ông Tỷ cùng gia đình đã cất được căn nhà kiên cố, khang trang. Các con ông đã có công việc ổn định. Bên cạnh đó, ông Tỷ cũng tích cực tham gia công tác từ thiện tại địa phương. Hằng năm, ông đều đóng góp và ủng hộ cho Hội Chữ thập đỏ, quỹ vì người nghèo, quỹ hội khuyến học... Với những việc làm ý nghĩa đó, ông đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen, Kỷ niệm chương, Huân chương...  

 Có thể nói, cuộc đời chiến trận oai hùng cùng nghị lực phi thường, ý chí vượt lên hoàn cảnh khó khăn để làm giàu đã kiến tạo nên người thương binh Trịnh Văn Tỷ -một tấm gương rạng ngời phẩm chất “anh bộ đội Cụ Hồ” giữa cuộc sống đời thường.  
 

                                                                                      Hoài Thương

 

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll