Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền báo cáo tại Phiên họp Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

16/04/2015 03:12

Ngày 15/4/2015, tại TP.HCM, trong Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã báo cáo về việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia 2011 - 2015 thuộc các lĩnh vực của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phụ trách. Đồng thời, đề xuất chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền báo cáo tại Phiên họp Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội


Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho biết: 5 năm qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện các nhiệm vụ của ngành đạt nhiều kết quả, bao gồm: Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện thể chế, Bộ đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Việc làm, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi; trình Quốc hội cho ý kiến Luật An toàn, vệ sinh lao động....

Toàn cảnh phiên họp
Hệ thống Luật pháp, chính sách về lao động, người có công và xã hội đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tạo lập khuôn khổ pháp lý về lao động, người có công và xã hội phù hợp với sự phat triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm phát triển kinh tế gắn với sự công bằng và tiến bộ xã hội.
Về chỉ tiêu Quốc hội giao về tạo việc làm, 4 năm qua (2011 - 2014) đã tạo việc làm cho trên 6.201 ngàn người, đạt 77,5% so với mục tiêu kế hoạch 5 năm (2011 - 2014). Trong đó, tạo việc làm trong nước là trên 5.840 ngàn người, đạt 77,3% kế hoạch; đưa trên 361 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 80,4% kế hoạch. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 46,6% (giảm 2,8% so với năm 2010), khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 21,4% và khu vực dịch vụ chiếm 32%.
Đối với tỷ lệ lao động qua đào tạo thực hiện đến cuối năm 2014 đạt 49% kế hoạch; tỷ lệ giảm nghèo bình quân giảm 2%/năm, giảm từ 14,2% cuối năm 2010 xuống còn 5,8-6% vào cuối năm 2014. Riêng tại các huyện nghèo giảm từ 58% cuối năm 2010 xuống còn 32,59% vào cuối năm 2014, bình quân giảm trên 5%/năm.
Về các chỉ tiêu tuyển sinh học nghề, chăm sóc người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, cai nghiện phục hồi, phòng chống mại dâm cũng đạt nhiều kết quả. Cụ thể, 4 năm qua (2011-2014), tuyển mới dạy nghề trên 7.021 ngàn người, đạt 95,5% và đến cuối năm 2014 cả nước có 1.465 cơ sở dạy nghề; chính sách người có công tiếp tục hoàn thiện, các chế độ, chính sách đối với người có công được mở rộng về đối tượng thụ hưởng với mức trợ cấp nâng lên; đến cuối năm 2014, có  khoảng 2,6 triệu người được hưởng trợ cấp thường xuyên, tưng hơn 2 lần so với cuối năm 2010; các chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cơ bản hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra với 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp dưới các hình thức; Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã được triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.
Về công tác cai nghiện phục hồi, phòng chống mại dâm được các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm, tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá, qua 5 năm thực hiện thì chỉ tiêu “tỷ lệ lao động qua đào tạo” không đạt kế hoạch. Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Với chương trình mục tiêu quốc gia việc làm – dạy nghề được triển khai cụ thể theo từng Dự án nhưng còn gặp khó khăn trong công tác phân bổ nguồn lực  cho các địa phương...
Tại Phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn, băn khoăn về các chỉ tiêu trong các lĩnh vực của ngành. Đồng thời, cũng đặt câu hỏi quan tâm về các vấn đề trong công tác phòng, chống ma túy, mại dâm có thiết kế, định hướng mới gì cho giai đoạn tới; vấn đề đào tạo cán sự cho công tác bảo trợ xã hội; số liệu thống kê về tỷ lệ giảm nghèo, tỷ lệ 82% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em....
Đại biểu Đặng Thuần Phong nêu băn khoăn: Qua báo cáo cho thấy, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ như tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề vẫn chưa đạt nên cần phải xem hệ thống các chỉ tiêu có duy ý chí hay làm chưa tới? Bên cạnh đó, có những chỉ tiêu không thể thống kê, đánh giá và tồn tại vấn đề khó khăn trong cơ chế, ngân sách trung ương phân bổ cho địa phương nên cần phải làm cho rõ và nếu cần thiết điều chỉnh về chỉ tiêu cho phù hợp.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đang có trùng lắp với chương trình nông thôn mới về một số nội dung như: địa bàn, nội dung chính sách, đối tượng. Do đó, đề nghị Bộ cần nghiên cứu, xem xét để triển khai các nội dung của chương trình đạt được hiệu quả.
Giải đáp nhiều băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Thời gian qua, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã có nhiều cố gắng. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về Luật lao động sửa đổi, Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi, Luật việc làm, Luật giáo dục nghề nghiệp, Luật An toàn lao động, Pháp lệnh ưu đãi người có công....
Riêng một số chỉ tiêu trong các lĩnh vực không đạt thì có liên quan nhiều vấn đề như chỉ tiêu việc làm  liên quan đến điều kiện kinh tế. Các chỉ tiêu về giảm nghèo, đánh giá về các nguyên nhân tác động tái nghèo và có con số cụ thể về tỷ lệ không thể thoát nghèo thì Bộ đã có báo cáo trình và Chính phủ vẫn giao cho Bộ trên cơ sở rà soát hàng năm để nắm rõ từng đối tượng. Tới đây, khi các địa phương cập nhật đầy đủ số liệu, Bộ sẽ tổng hợp báo cáo để tách những hộ không thể thoát nghèo và chuyển sang chế độ bảo trợ xã hội.
Liên quan đến các nội dung trùng lắp của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và Chương trình Nông thôn mới, Bộ trưởng khẳng định: Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ ngồi lại cùng bàn bạc để thống nhất các nội dung trùng lắp và có thể lựa chọn nội dung thực hiện theo hướng chuyên sâu cho mục tiêu giảm nghèo.
Bên cạnh đó, hiện trong vấn đề cai nghiện ma túy đang vướng ở việc xác định tình trạng nghiện của Bộ Y tế nên trước mắt phải xác định thế nào là nghiện để có thể đưa vào xử lý. Còn thực hiện cai nghiện bằng methadone theo đánh giá là đạt hiệu quả nhưng vẫn gặp khó khăn ở nguồn lực. Vì vậy, để duy trì tốt nhất cai nghiện cho các đối tượng thành công cần quan tâm đến vấn đề cốt lõi là vừa thực hiện cai nghiện vừa có hướng tạo việc làm cho số đối tượng đó.
Phát biểu kết luận, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao kết quả đạt được trong các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Bộ. Đồng thời, đề nghị Bộ lưu ý con đường thực hiện các chương trình quốc gia. Trong báo cáo, Bộ đề nghị 3 nhóm chỉ tiêu về chương trình quốc gia nhưng phần “ruột” chưa cụ thể nên cần nghiên cứu, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn và tăng cường sự tham gia trách nhiệm của người dân. Đồng thời, Bộ cần hoàn thiện “đầu ra” của các chương trình này và có cơ chế kiểm tra “đầu ra”. Cùng với đó là lựa chọn, chỉ đạo làm rõ cái gì là nhiệm vụ thường xuyên, cái gì là mục tiêu quốc gia để xây dựng được giải pháp thực hiện hiệu quả các chương trình quốc gia.
;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll