Tham dự còn có ông Lê Thanh Hải – Bí thư Thành ủy thành phố, ông Lê Hoàng Quân – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cùng các lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành và của 24 quận, huyện; đại diện các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Theo báo cáo Tổng kết Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2014-2015, TPHCM là địa phương đi đầu, khởi xướng Chương trình Xóa đói giảm nghèo vào năm 1992. Qua 23 năm thực hiện, Chương trình luôn được Đảng bộ, Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy đặc biệt quan tâm, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu nhằm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là dân nghèo đang sinh sống trên địa bàn thành phố.
Chương trình đã trải qua 4 giai đoạn với 7 lần điều chỉnh nâng mức chuẩn hộ nghèo, cận nghèo. Tính đến cuối năm 2014, thành phố có 28.381 hộ, chiếm tỷ lệ 1,45% tổng hộ dân thành phố và số hộ cận nghèo là 56.675 hộ, chiếm tỷ lệ 2,89% tổng hộ dân thành phố. Đến ngày 31/8/2015, hộ nghèo thành phố còn 17.389 hộ, chiếm 0,89% tổng hộ dân; hộ cận nghèo là 46.971 hộ, chiếm 2,39% tổng hộ dân.
Thành phố đã hoàn thành mục tiêu giảm hộ nghèo giai đoạn 2014-2015 trước thời hạn 1 năm. Giai đoạn 2014-2015, chuẩn hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập bình quân đầu người là 16 triệu đồng/người/năm trở xuống và chuẩn hộ cận nghèo là trên 16-21 triệu đồng/người/năm, không phân biệt nội thành và ngoại thành.
Bí thư Thành Ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao Huân chương lao động hạng ba cho các tập thể
Theo ông Hứa Ngọc Thuận – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM, thành tựu 23 năm (1992-2014) thực hiện Chương trình Giảm nghèo của thành phố được thể hiện bằng những quyết sách đúng đắn, kịp thời, đầy tính sáng tạo và hiệu quả đạt được có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là mức chuẩn nghèo của thành phố được chủ động nâng lên theo từng giai đoạn, tiếp cận với chuẩn nghèo của khu vực và quốc tế (2USD/người/ngày).
Mức thụ hưởng các nhu cầu cơ bản thiết yếu của người nghèo, cận nghèo từng bước được cải thiện đã góp phần kéo giảm khoảng chênh lệch giữa nhóm dân cư có thu nhập cao nhất (hộ giàu) và nhóm dân cư có thu nhập thấp nhất (hộ nghèo) của thành phố từ hơn 10 lần (1992) còn 6,6 lần (2014).
Chương trình đã giải quyết cho hơn 510.000 lao động nghèo có việc làm ổn định, có thu nhập và vượt được chuẩn nghèo, cận nghèo. Tính đến ngày 31/8/2015, tổng nguồn vốn cho hộ nghèo, cận nghèo vay với lãi suất ưu đãi và tín dụng nhỏ là 2.864,452 tỷ đồng, tập trung giải ngân cho 26.768 hộ.
Giai đoạn 2014-2015, đào tạo nghề ngắn hạn cho 4.403 lao động nghèo, giới thiệu việc làm cho 19.801 lao động, đưa 58 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; chi 191,331 tỷ đồng hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, 70% kinh phí cho hộ cận nghèo; hỗ trợ 40,700 tỷ đồng miễn giảm học phí cho 54.727 học sinh nghèo, cận nghèo; xây dựng 84 nhà tình nghĩa với kinh phí 4,65 tỷ đồng; xây dựng 1.581 nhà tình thương với kinh phí 58,906 tỷ đồng, chống dột 1.317 căn vơi kinh phí 17,576 tỷ đồng cho họ nghèo thành phố…
Có thể nói, Chương trình đã tạo được vị thế cho người, cận nghèo bước đầu nhận thức, chủ động tham gia vào quá trình giảm nghèo cho chính mình. Từ thực tiễn Chương trình đã minh chứng về tính nhân văn cao đẹp, khơi dậy sức dân để chăm lo cho dân nghèo; thực hiện xã hội hóa, đa dạng hóa nhằm huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư các chính sách hỗ trợ và hoạt động giảm nghèo.
Tuy nhiên, tốc độ giảm nghèo của thành phố tuy nhanh nhưng chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo; mức chuẩn nghèo của thành phố được nâng lên nhưng so với mức sống tối thiểu của người dân thành phố thì vẫn còn thấp. Hộ nghòe đã vượt chuẩn nghèo thành phố có tích lũy trong thu nhập chưa ổn định.
Tiêu chuẩn xác định hộ nghèo chỉ dựa vào yếu tố thu nhập như hiên nay là không phù hợp nên đòi hỏi thành phố cần mạnh dạn nghiên cứu, chuyển đổi sang phương pháp giảm nghèo mới, có tính khoa học để có thể đánh giá thực trạng nghèo theo chiều sâu và đa chiều.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trao tặng Bằng khen của Bộ cho các tập thể và cá
nhân đạt thành tích trong công tác giảm hộ nghèo tăng hộ khả ở Thành phố Hồ Chí Minh
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Giảm nghèo bền vững đã nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những thành quả mà thành phố Hồ Chí Minh đạt được trong 23 năm triển khai Chương trình giảm nghèo. Những kết quả đó là cơ sở tiền đề để thành phố tiếp tục đề ra phương hướng, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Phó Thủ tướng yêu cầu: Trong giai đoạn tới, thành phố cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ quan trọng gồm: trên cơ sở kết quả đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình giảm nghèo, thành phố cũng cần chủ động khắc phục những hạn chế. Đồng thời, kiến nghị với Trung ương để nhân rộng các mô hình giảm nghèo tiêu biểu, hiệu quả.
Thành phố cần vận dụng các chủ trương, phương pháp tiếp cận sang đa chiều và có nghiên cứu, bổ sung các giải pháp thực hiện giảm nghèo lồng ghép, kết nối với chính sách phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hóa – hiện đại hóa; nông thôn mới và đẩy mạnh xã hội hóa …nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng sống cho người nghèo, cận nghèo thành phố; tăng cường nâng cao nhận thức, tạo điều kiện cho người nghèo có ý chí vươn lên, phát triển kinh tế để thoát nghèo và làm giàu cho xã hội.
Đánh giá cao kết quả của Chương trình Giảm nghèo của thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Thành phố Hồ Chí Minh chính là nguồn cội xây dựng, thực hiện Chương trình giảm nghèo đi đầu của cả nước. Việc tổng kết Chương trình sau 23 năm thực hiện là dịp để khẳng định đây là chủ trương hết sức đúng. Và cũng là cơ sở khẳng định rằng việc xóa đói giảm nghèo là chủ trương gắn liền tăng trưởng kinh tế phải bảo đảm an sinh xã hội. Những kết quả của thành phố đã góp phần vào thành quả chung của cả nước.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng: Để Chương trình giảm nghèo thực sự bền vững cần sự nhận thức đầy đủ của cộng đồng, sự quyết tâm của từng cá nhân, hộ gia đình nghèo. Nhưng không thể thiếu được cơ chế điều hành chính sách của Nhà nước, sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với trách nhiệm cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương Giảm nghèo bền vững sẽ tiếp tục có phương pháp để nhân rộng mô hình tổ tự quản cộng đồng về hỗ trợ giúp đỡ cho người nghèo.
Tới đây, Bộ sẽ có tiêu chí phù hợp với chính sách giảm nghèo, tức là hỗ trợ kịp thời, cần cái gì hỗ trợ cái đó cho người nghèo để thúc đẩy công cuộc giảm nghèo hiệu quả hơn. Với chuẩn nghèo phù hợp giai đoạn mới, không chỉ nghèo thu nhập mà nghèo đa chiều. Trong đó, có thu nhập, có y tế, giáo dục, lĩnh vực thông tin…và sẽ triển khai tốt Đề án về giảm nghèo mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Chia sẻ về phương hướng, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, Bí thư Lê Thanh Hải nhấn mạnh: Giai đoạn 2016-2020, TPHCM đề ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo thành phố tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục- đào tạo, y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội, nhà ở, điều kiện sống, thông tin).
Mục tiêu cụ thể là giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới của Chương trình Giảm nghèo bền vững thành phố giai đoạn 2016-2020 bình quân 1%/năm. Bình quân thu nhập của hộ nghèo thành phố vào năm 2020 tăng lên 3,5 lần so với năm 2011.
Nhiệm vụ trọng tâm mà thành phố thực hiện giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là: tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về giảm nghèo (theo phương pháp đa chiều) cho các ngành, cấp và nhân dân thành phố, nhất là người nghèo, hộ nghèo thành phố; đẩy mạnh sự phối hợp chính quyền với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và ác tổ chức đoàn thể các cấp trong vận động, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát nội dung hoạt động giảm nghèo.
Bên cạnh đó, đề ra chính sách, giải pháp hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo về vốn ưu đãi, dạy nghề, sản xuất…và huy đông tối đa nguồn lực xã hội hóa để thực hiện giảm nghèo bền vững. Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững các cấp tiếp tục xây dựng, kiện toàn và có nghiên cứu chính sách chế độ cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo, nhất là ở cấp phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố.
Dịp này, nhiều cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo của thành phố đã vinh dự được nhận Huân Chương Lao động Hạng III của Chủ tịch nước; Bằng Khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng Khen của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bằng Khen của Ủy ban nhân dân TPHCM.