[MOLISA] Hội nghị tham vấn chuyên gia về Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em khu vực phía Nam

31/07/2015 11:13

Sáng ngày 24/7/2015, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng ( UBVHGDTNTNNĐ) của Quốc hội phối hợp với Tổ chức UNCIEF tổ chức Hội nghị “ Tham vấn chuyên gia về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em khu vực phia Nam”. Tham dự Hội nghị có GS.VS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; Ths. Đào Hồng Lan – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ; TS. Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội dạy nghề và Nghề CTXH Việt Nam, đại diện lãnh đạo Cục Trẻ em, Vụ Pháp chế Bộ LĐ-TBXH, đại diện Tổ chức Unicef, lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố khu vực phía nam cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các trường đại học, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và các tổ chức có liên quan...

[MOLISA] Hội nghị tham vấn chuyên gia về Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em khu vực phía Nam
Phát biểu tại Hội nghị, GS.VS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội cho biết: Sau Hội nghị về chuyên đề tham vấn chuyên gia về dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tổ chức tại Hà Nội nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp, kiến nghị đề xuất cũng như đánh giá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức có liên quan về dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, hội nghị lần này được tổ chức ở khu vực phía Nam cũng trên cơ sở đó nhằm tiếp tục lấy ý kiến, đề xuất về dự án Luật này để cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp thu và chỉnh lý phù hợp với tình hình thực tiễn và phù hợp với Công ước về bảo vệ quyền của trẻ em. Đồng thời nghe các đại biểu nêu lên các quan điểm, nội dung và phạm vị điều chỉnh của dự án Luật; các khái niệm, quy định về quyền trẻ em cũng như công tác chăm sóc và thụ hưởng của trẻ em; vai trò chăm sóc cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, cơ sở chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em...

Toàn cảnh Hội nghị
GS.VS Đào Trọng Thi cũng đề nghị các đại biểu tiếp tục đánh giá và đưa ra nhiều quan điểm, cũng như các ý kiến đề xuất, kiến nghị và đánh giá sát với dự án luật để cơ quan soạn thảo tiếp thu và điều chỉnh luật phù hợp với tình hình thực tế và Công ước quốc tế về quyền của trẻ em.
Tại Hội nghị Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan đã trình bày báo cáo thuyết minh về Dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Theo đó, Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới và đầu tiên ở Châu Á phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào năm 1990 mà không bảo lưu điều, khoản nào.
Trong suốt 25 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực làm hài hòa pháp luật trong nước với các quy định của Công ước và các điều quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên. Năm 2004, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện các quyền về trẻ em theo hướng tiếp cận dựa trên quyền trẻ em. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia có cam kết chính trị mạnh mẽ và các biện pháp tích cực về xây dựng pháp luật, chính sách, chương trình quốc gia thực hiện Công ước về quyền trẻ em.
Sau 10 năm thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ( năm 2004), công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở nước ta đã có nhiều đổi mới và đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế – xã hội của đất nước ta đã có nhiều thay đổi, đã xuất hiện nhiều hiện tượng, vấn đề mới tác động đến trẻ em và thực hiện các quyền trẻ em.
Luật năm 2004 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng yêu cầu của những vấn đề mới phát sinh đòi hỏi pháp luật quy định và điều chỉnh phù hợp, cụ thể như: Thứ nhất, quy định trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi của Luật năm 2004 chưa thực sự tương thích với Công ước về quyền của trẻ em. Hiện nay, điều kiện kinh tế – xã hội Việt Nam đã phát triển ở mức nhất định, có khả năng áp dụng các quy định về quyền của trẻ em đối với nhóm chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, song lại không có cơ sở pháp lý để triển khai.
Mặt khác, Hiến pháp năm 2013 cũng nghi nhận quyền con người, quyền công dân, trong khi Luật năm 2004 chỉ quy định trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi. Do đó không có cơ sở pháp lý  để bảo vệ các quyền của trẻ em đồng thời là quyền con người đối với trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, đặc biệt trẻ em không  quốc tịch cư trú tại Việt Nam.
Hai là, Luật năm 2004 chỉ quy định 10 trong 28 quyền trẻ em được ghi nhận trong Công ước về quyền trẻ em. Các quyền còn lại hoặc chưa được quy định hoặc quy định rải rác tại các luật khác, chưa thể hiện được tinh thần Luật trẻ em cần “tuyên ngôn” đầy đủ các quyền trẻ em theo Công ước về quyền trẻ em. Bên cạnh đó,  Điểu 37 Hiến pháp năm 2013 quy định trẻ em có quyền tham gia vào các vấn đề về trẻ em, trong khi các quy định về quyền này tại Luật năm 2004 còn chung chung, chưa thể hiện được nội hàm, phạm vi và hình thức thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
Thứ ba, là về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, tổ chức chưa được quy định cụ thể; chưa có quy định lồng ghép các vấn đề về trẻ em trong mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, địa phương, ngành; Thứ tư là các biện pháp giám sát, báo cáo việc thực hiện quyền trẻ em chưa được quy định cụ thể; các quy định về đầu tư, phân bố nguồn lực của Nhà nước để thực hiện các quyền trẻ em chưa rõ ràng, chưa cụ thể, dẫn đến sự chênh lệnh và không hợp lý.
Hệ thống bảo vệ trẻ em ở ba cấp ( phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp) được Chính phủ triển khai thực hiện tại một số địa phương trong Chương trình quốc gia Bảo vệ trẻ em những năm qua đã đạt được nhiều kết quả về Bảo vệ trẻ em, song việc bảo vệ trẻ em ba cấp độ chưa được quy định rõ ràng tại Luật năm 2004.
Từ những lý do trên, việc ban hành Luật mới thay thế Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 là cần thiết, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật năm 2004, bảo đảm tương thích với Công ước về quyền trẻ em và triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có 6 chương, 71 Điều ( so với Luật hiện hành thêm 1 chương).
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe TS. Nguyễn Hải Hữu – Phó Chủ tịch Hiệp hội dạy nghề và Nghề Công tác xã hội Việt Nam bình luận và góp ý cho dự thảo Luật trẻ em. TS. Nguyễn Hải Hữu cho rằng: Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em lần này về mặt kỹ thuật kết cấu các chương và các điều khoản là phù hợp. Các nội dung được trình bày tại các Điều, khoản đã làm rõ chi tiết và có nhiều điểm mới phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như phù hợp với Công ước quốc tế về quyền của trẻ em.
TS. Nguyễn Hải Hữu cũng đưa ra 7 điểm nhận xét và đánh giá trong dự thảo luật đã làm rõ được những yêu cầu và nội dung sửa đổi đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Ông Hữu cũng dẫn chứng rằng, khi xây dựng Luật cần phải đáp ứng được 4 nguyên tắc và kế thừa được nhiều nội dung của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 mà không làm xáo trộn. Đồng thời, dụ án Luật sửa đổi, bổ sung mới này còn phù hợp và có tính thực tiễn cao so với các mô hình luật của một số nước như: Trung Mỹ, mô hình về quyền con người của Lào, Mayanma và Hungari...
Còn theo đánh giá của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ của quốc hội: ưu điểm nổi bật của dự thảo Luật trẻ em là thể hiện nhận thức đầy đủ hơn về quyền trẻ em so với Luật chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em hiện hành. Các quyền thuộc 4 nhóm quyền của trẻ em – quyền sống còn, quyền phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia – đã được ghi nhận bằng các quy phạm pháp luật trong dự thảo Luật.
Việc quy định đầy đủ các quyền nói trên, trước hết là để triển khai quy định tại khoản 1 Điều 37 Hiến pháp năm 2013: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Quy định đầy đủ các quyền thuộc 4 nhóm trẻ em còn là đề phù hợp với Công ước quốc tế về trẻ em (CRC) mà Việt Nam đã gia nhập năm 1990 và để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đây cũng là chính lý do xây dựng Luật trẻ em thay thế Luật chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em hiện hành.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đã đánh giá cao về kết cấu và các nội dung được trình bày trong dự thảo luật. Ông cũng cho rằng, nếu so sánh với  Luật hiện hành thì dự thảo luật mới này đã đưa vào được các nội dung khá chi tiết và đầy về các chính sách đầu tư, chỉ tiêu, bố trí nguồn lực cũng như sự phối hợp của các ngành. Dự thảo Luật cũng đã đưa ra được các quy định về chính sách, biện pháp cụ thể như: nhóm trẻ em vi phạm pháp luật và nhóm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Có thể thấy điểm thay đổi của dự thảo luật lần này là nâng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 tuổi ( tức thêm 2 năm) so với với luật hiện hành, mở rộng đối tượng áp dụng, bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài, người không rõ quốc tịch sống trên lãnh thổ Việt nam phù hợp với Công ước quốc tế và tình hình đất nước hiện nay.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Tổ chức Unicef cũng đá đánh giá cao về dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và đưa ra một số khuyến nghị cần tiếp tục chỉnh lý các điểm trong các điều khoản của Luật phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
Ngoài ra, Hội nghị còn được nghe 11 báo cáo tham luận cũng như bình luận về những biện pháp đảm bảo thực hiện quyền được sống còn và quyền được phát triển trong Dự thảo luật trẻ em; vai trò của các tổ chức xã hội trong công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và một số khuyến nghị của các đại biểu đến từ Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học Luật TPHCM và các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các tổ chức, cơ sở chăm sóc, bảo vệ trẻ em tại một số địa phương...
;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll