Tham dự phiên chính thức có ông Đào Trọng Thi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Hồng Lan và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan cùng 192 trẻ em tiêu biểu đại diện cho hơn 26 triệu trẻ em trên toàn quốc.

Nhiều kiến nghị của trẻ em đã được trả lời thẳng thắn tại Diễn đàn
Theo Công ước Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em, quyền cơ bản của trẻ em bao gồm 4 nhóm cơ bản là quyền “sống còn”, quyền “bảo vệ”, quyền “phát triển” và quyền “tham gia”. Quyền “tham gia” của các em gồm quyền tiếp cận thông tin phù hợp với lứa tuổi; quyền kiến nghị, bày tỏ những suy nghĩ riêng của mình về các vấn đề liên quan đến trẻ em; quyền được người lớn lắng nghe, phản hồi về những vấn đề đó. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và là quốc gia thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em. Hiến pháp năm 2013 đã quy định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc và sự tôn trọng trẻ em của Đảng và Nhà; tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để trẻ em thực hiện đầy đủ các quyền cơ bản của mình, bao gồm có quyền tham gia.

Ông Đào Trọng Thi phát biểu tại phiên khai mạc chính thức
Phát biểu tại Phiên chính thức của Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ IV, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi bày tỏ hy vọng: Thông qua Diễn đàn này, các em sẽ có những đóng góp quan trọng, có ý nghĩa cho quá trình chuẩn bị dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em. Đồng thời, các em sẽ được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, bày tỏ ý kiến với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, đoàn thể hữu quan. Chủ nhiệm Đào Trọng Thi mong rằng trong không khí thân thiện và cởi mở, các đại biểu trẻ em sẽ mạnh dạn, thẳng thắn, trao đổi, thảo luận, đóng góp các ý kiến thiết thực và sâu sắc. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội kêu gọi các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan; cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, các địa phương; các lực lượng xã hội nhìn nhận tích cực hơn nữa về vị trí, vai trò của trẻ em, quyền trẻ em nói chung và quyền tham gia của trẻ em nói riêng, giúp trẻ em có điều kiện tốt nhất để thực hiện quyền của mình và có những đóng góp tích cực cho đất nước phù hợp với lứa tuổi…

Trẻ em bày tỏ ý kiến của mình tại Diễn đàn
Tại diễn đàn, các nhóm đã trình bày những kết quả đạt được của mình sau các phiên thảo luận nhóm về bốn nhóm vấn đề: Quyền tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách; quyền tham gia của trẻ em trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. Thông qua nhiều hình thức trình bày rất sôi động, nhiều thông điệp đã được các em đưa ra tại diễn đàn, các em mong muốn không còn bạo lực gia đình, ý kiến của các em trong gia đình cần được lắng nghe. Các em mong muốn một môi trường lành mạnh để học tập và phát triển; có thêm những kỹ năng sống cùng môi trường học tập sinh động và phong phú, không còn bạo lực học đường; mong muốn được đóng góp ý kiến của mình trong quá trình xây dựng những chính sách, luật pháp có liên quan đến trẻ em...

Đại biểu trẻ em bày tỏ mong muốn của mình tại Diễn đàn
Thảo luận về các nội dung liên quan đến quyền tham gia của trẻ em trong gia đình, nhà trường và cộng đồng, tại phiên đối thoại chính thức với lãnh đạo các Bộ, ngành, Diễn đàn đã chỉ ra những thách thức còn tồn tại trong việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em như: tiếng nói của trẻ em chưa được cha, mẹ và người lớn lắng nghe trong các vấn đề liên quan đến trẻ em; các em chưa được góp ý vào bài giảng của thầy cô giáo để tiết học cuốn hút và sinh động. Chương trình giáo dục kỹ năng sống của nhà trường chưa thiết thực và thiếu thực hành nên các em còn bị hạn chế trong quá trình thực hiện quyền tham gia của mình. Các em chưa được tham gia ý kiến vào các hoạt động ở cộng đồng mà người lớn thường tự quyết định và yêu cầu trẻ em tham gia. Trẻ em cũng chưa có nhiều cơ hội được tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách dành cho trẻ em.

Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH phát biểu ý kiến tại Diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đào Hồng Lan đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các, toàn bộ những câu hỏi của các em đã được ghi nhận và đã trả lời các em rất thân thiện, thẳng thắn. Đặc biệt, các khuyến nghị và thông điệp của trẻ em sẽ được Bộ Lao động – TBXH báo cáo Thủ tướng Chính phủ; gửi tới các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan để xem xét, có kế hoạch đáp ứng, gửi tới các cơ quan hoạch định chính sách, những người hoạt động vì trẻ em. Thứ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho rằng, trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến trẻ em Bộ Lao động - TBXH rất quan tâm đến ý kiến của các em. Từ năm 2012, Bộ đã lấy ý kiến đóng góp của các em để sửa Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em qua nhiều kênh như: qua Internet, tổng đài tư vấn 18001567, qua phát mẫu câu hỏi và phỏng vấn trực tiếp. Những ý kiến của các em đã được ban soạn thảo tiếp thu để điều chỉnh đưa vào Luật nhằm đảm bảo những lợi ích tốt nhất cho các em…
Chí Tâm