Tại
Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá về tình hình chính sách
và thực thi pháp luật bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), tìm
ra nguyên nhân của các hạn chế và đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện
hiệu quả chính sách, đặc biệt là công tác thu BHXH, BHYT và giảm nợ đọng
BHXH, BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng; đánh
giá, phân tích khả năng phát triển mở rộng đối tượng tham gia BHXH,
BHYT; tình hình thu, xử lý nợ BHXH, BHYT ở nước ta và kinh nghiệm quốc
tế; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và tuyên truyền việc thực
hiện chính sách BHXH, BHYT; công tác khởi kiện, thi hành án về BHXH,
BHYT; về mô hình tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của tổ chức BHXH;
vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách
BHXH, BHYT....
Theo các đại biểu, tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT xảy ra ở hầu hết các địa phương với mức độ ngày càng gia tăng, phổ biến nhất là ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đã gây bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và nhân dân... Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Văn Dũng cho biết, hiện có trên 300.000 đơn vị đang hoạt động, cơ quan BHXH chỉ quản lý được gần 150.000 đơn vị đăng ký tham gia BHXH, như vậy, có đến 50% số doanh nghiệp
trốn đóng BHXH. Nếu không có biện pháp buộc chủ sử dụng lao động tuân
thủ pháp luật về BHXH thì mục tiêu đến năm 2020 sẽ khó đạt được trên 50%
lực lượng lao động tham gia BHXH.
Để
khắc phục các hạn chế, yếu kém trong xây dựng và triển khai chính sách
BHXH, BHYT, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan nhà nước, đòi hỏi phải có sự
vào cuộc của tất cả các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ
chức xã hội và toàn thể nhân dân.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính đề nghị bổ
sung vào Luật BHXH giao chức năng thanh tra thu cho cơ quan BHXH; quy
định người lao động có thể trình hợp đồng lao động để báo cơ quan BHXH
mình thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; có hình thức để người lao
động thể hiện được quyền của mình.
Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội (Bộ Lao động Thương binh và
Xã hội) Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh đến sự hỗ trợ của Chính phủ đối
với người lao động. Theo bà Hương, cần tạo ra sân chơi bình đẳng giữa
chính sách, làm thế nào các chính sách bình đẳng, liên thông với nhau vì
hiện nay thị trường lao động không cố định. Thứ hai, là sự linh hoạt
của chính sách. Thứ ba, là hỗ trợ của Chính phủ đối với người lao động.
Đó là giải pháp cần thiết để tăng diện bao phủ.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng,
thời gian tới cần phải hoàn thiện cơ chế chính sách để các doanh nghiệp
thể hiện và phát huy đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong việc bảo
đảm quyền lợi cho người lao động; hoàn thiện các chế tài trong lĩnh vực
BHXH và BHYT; khuyến khích nhân dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện các
chính sách bảo hiểm; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về lĩnh
vực bảo hiểm. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, phối hợp giữa các
bộ, ban, ngành, địa phương, đơn vị bảo vệ quyền lợi cho người lao động;
tăng cường nguồn lực của Nhà nước, đảm bảo chính sách an sinh xã hội…

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo.
Phát
biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính
trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định: Với
sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những năm qua, chính sách BHXH, BHYT
đã từng bước được hoàn thiện về cơ sở pháp lý, về tổ chức thực hiện, tạo
ra kết quả rất đáng ghi nhận. Các loại hình BHXH, BHYT được đa dạng
hóa, lợi ích các bên tham gia được đảm bảo; quỹ BHXH được quản lý, sử
dụng và đầu tư an toàn; quỹ BHYT được cân đối và có kết dư; số người
tham gia BHXH, BHYT được mở rộng. Đến
nay đã có hơn 11 triệu người tham gia BHXH, 63 triệu người tham gia
BHYT, chiếm 70% dân số. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh,
hiện còn một lực lượng lao động rất lớn, khoảng 34 triệu người chưa tham gia BHXH, khoảng 27 triệu người dân (30% dân số) chưa tham gia BHYT. Đây là một vấn đề lớn chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, để khắc phục các hạn chế, yếu kém trong xây dựng và triển khai chính sách BHXH, BHYT,
bên cạnh nỗ lực của các cơ quan Nhà nước, đòi hỏi phải có sự vào cuộc
của tất cả các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã
hội và toàn thể nhân dân. Với vai trò
là là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân và là một trong các cơ
quan được giao chức năng giám sát, phản biện xã hội, MTTQ Việt Nam sẽ tiếp thu ý kiến trao đổi, trên cơ sở đó để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trong thời gian tới./.