Tỉnh
Thừa Thiên Huế hiện có 9 đơn vị hành chính trực thuộc gồm thành phố
Huế, 2 thị xã và 6 huyện, dân số của tỉnh là 1,12 triệu người, trong đó
lao động trong độ tuổi là 751,3 nghìn người, lao động đang tham gia hoạt
động trong các thành phần kinh tế là 566,3 nghìn người. Tổng số cán bộ,
công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành là 218 người
(quản lý Nhà nước: 48, sự nghiệp: 170) đang làm việc tại 7 phòng, 2 chi
cục thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và 8 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở.
Phối hợp chặt chẽ, hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành
Theo ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở LĐTBXH Thừa Thiên Huế, hằng năm,
thực hiện chương trình công tác của Bộ và UBND tỉnh, Sở đã tham mưu với
UBND tỉnh ban hành kịp thời các đề án, chương trình, kế hoạch công tác,
phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị, cá nhân để tập trung chỉ đạo, điều
hành và đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ về
lao động, người có công và xã hội. Với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp,
các ngành, các tổ chức đoàn thể và các doanh nghiệp, công tác lao động ,
người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh được thực hiện một cách đồng
bộ và có hiệu quả, các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đề ra hàng năm đều
đạt và vượt, góp phần tích cực vào việc đảm bảo an sinh xã hội và phát
triển kinh tế của tỉnh nhà; tình hình an ninh trật tự được giữ vững,
không có điểm nóng về tệ nạn xã hội.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền và ông Nguyễn Thanh Kiếm, GĐ Sở LĐTBXH Thừa Thiên Huế
Cụ
thể, hàng năm, thông qua các chương trình phát triển kinh tế xã hội, tư
vấn và tổ chức sàn giao dịch việc làm…, tỉnh đã giải quyết việc làm mới
cho trên 16 nghìn người, đạt trên 100% kế hoạch, đáng chú ý là 6 tháng
đầu năm 2013, mặc dù tình hình kinh tế đất nước còn gặp rất nhiều khó
khăn, nhưng tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho gần 9,2 nghìn lao động,
đạt 57,35% kế hoạch, tăng hơn 2 nghìn lao động so với cùng kỳ năm 2012.
Đến nay, tỉnh có 82 nghìn người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN),
tăng 16 nghìn người so với năm 2009. Trong 3 năm qua, tỉnh đã chi trả
đầy đủ và kịp thời chế độ BHTN cho 8 nghìn người với tổng kinh phí 41,15
tỷ đồng. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động cho
người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh
nghiệp được thực hiện thường xuyên, công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm
tra, giám sát việc thực hiện chính sách tiền lương được thực hiện tốt
hơn. Hệ thống dạy nghề phát triển theo hướng xã hội hóa, đến nay trên
địa bàn tỉnh có 47 cơ sở có đào tạo nghề (công lập: 22, ngoài công lập:
25), 100% các huyện, thị xã, thành phố đều có trường hoặc trung tâm dạy
nghề. Năm 2012 đã có gần 19,9 nghìn lao động qua đào tạo, đạt hơn 100%
kế hoạch. Đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh lên 48%. Ba năm qua
tỉnh đã đào tạo nghề cho 13,2 nghìn lao động nông thôn, riêng 6 tháng
đầu năm 2013 đào tạo nghề cho 1,9 nghìn người, đạt 60,1% kế hoạch. Về
lĩnh vực người có công, bên cạnh trợ cấp ưu đãi của Nhà nước, các phong
trào đền ơn đáp nghĩa luôn được tỉnh thực hiện đầy đủ với mục tiêu dành
những gì tốt đẹp nhất cho gia đình chính sách và người có công với cách
mạng. Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa 1.513 nhà ở
cho người có công với cách mạng với kinh phí 26,4 tỷ đồng, riêng trong
năm 2012 tỉnh đã hoàn thành việc xây mới và sửa chữa 839 nhà tình nghĩa
với kinh phí 17,12 tỷ đồng. Công tác giảm nghèo được triển khai tích cực
và đồng bộ. Do đó, sau 2 năm, các xã có tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh chiếm
trên 25% giảm từ 13 xã xuống 7 xã. Tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh còn
gần 21 nghìn hộ nghèo, chiếm 7,95%. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo
dục trẻ em có nhiều chuyển biến rõ nét.

Bộ trưởng chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, nhân viên Trung tâm Giới thiệu việc làm
tỉnh Thừa Thiên Huế
Kiến nghị, đề xuất từ ngành LĐTBXH Thừa Thiên Huế
Để tạo điều kiện cho Sở hoàn thành tốt hơn nữa các chỉ tiêu, nhiệm vụ
lao động, người có công và xã hội trên địa bàn, Giám đốc Sở LĐTBXH
Nguyễn Thanh Kiếm và một số lãnh đạo Sở và Phòng LĐTBXH huyện kiến nghị
với Bộ một số vấn đề liên quan đến hỗ trợ vốn đầu tư và về cơ chế chính
sách. Cụ thể là: Đề nghị Bộ tiếp tục bố trí vốn để xây dựng Trung tâm
Điều dưỡng chăm sóc người có công tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2014
(trước đó Bộ đã có quyết định phê duyệt với tổng kinh phí 48 tỷ đồng).
Do số lượng đối tượng tâm thần đang được nuôi dưỡng tại trung tâm nuôi
dưỡng người tâm thần ở tỉnh đã lên tới hơn 500 người và hiện đang quá
tải, tỉnh đề nghị Bộ bố trí vốn để xây dựng Trung tâm mới trong các năm
2014 – 2015. Bên cạnh đó, Sở đề nghị Bộ quan tâm nâng mức hỗ trợ đầu tư
nghề trọng điểm (nghề hàn trình độ cấp quốc gia, nghề kỹ thuật lắp đặt
điện và điều khiển trong công nghiệp trình độ cấp khu vực) cho Trường
cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Về cơ chế chính sách, Sở LĐTBXH Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ cho phép chi
hỗ trợ trực tiếp các khoản tiền ăn, đi lại, chi phí làm thủ tục đi làm
việc ở nước ngoài (hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp) cho
người lao động do ở tỉnh không có doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Về
lĩnh vực dạy nghề, đề nghị Bộ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ sáp nhập
các cơ sở có dạy nghề ở cấp huyện như trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo
dục thường xuyên và trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, và trước
mắt phân cấp cho cấp huyện, thị xã quản lý vì hiện nay các trung tâm này
cơ sở vật chất không đầy đủ, ít cán bộ, hầu như chỉ có bộ máy. Về đào
tạo nghề cho lao động nông thôn, Sở đề nghị Bộ kiến nghị Chính phủ mở
rộng thêm đối tượng trong diện thực hiện Đề án 1956 là lao động có hộ
khẩu thường trú tại các phường, thị trấn nhưng đang trực tiếp làm nghề
nông nghiệp, ngư nghiệp hoặc hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi.
Về chính sách đối với người học, cần tăng mức hỗ trợ tiền ăn cho lao
động nông thôn thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công, hộ
nghèo, người dân tộc thiểu số…được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn từ
15.000 đồng/ngày thực học/người lên mức 25.000 đồng/ngày thực học/người;
bổ sung thêm kinh phí hỗ trợ tiền ăn cho lao động nông thôn là lao động
thuộc diện hộ cận nghèo với mức 25 nghìn đồng/ngày thực học/người. Điều
chỉnh mức hỗ trợ chi phí cho lao động nông thôn là người khuyết tật học
nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng) với mức tối đa là 6
triệu đồng/người/khóa học để thống nhất với chính sách đã được phê
duyệt trong Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020.
Về lĩnh vực người có công, Sở đề nghị Bộ xem xét công nhận, xác nhận các
trường hợp thương binh, liệt sỹ đã hoàn thành thủ tục theo qui trình
trước Nghị định 54/2006/NĐ-CP, trong đó có một số hồ sơ nằm trong danh
sách và đã duyệt theo kế hoạch 611 nhưng thiếu nhân chứng, nay đã bổ
sung và một số vấn đề liên quan đến thủ tục hồ sơ công nhận người hoạt
động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, đầu tư sửa chữa, tôn tạo
nghĩa trang liệt sỹ.
Về lĩnh vực xã hội, Sở đề nghị Bộ có văn bản gửi HĐND, UBND tỉnh để
chính quyền địa phương biết và chỉ đạo các Sở, ngành liên quan thực hiện
việc tổng hợp kế hoạch, tuyển chọn, bố trí, sử dụng và đào tạo, bồi
dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cộng tác viên xã hội của tỉnh, thành phố
và lập dự toán kinh phí chi trả phụ cấp cho cộng tác viên công tác xã
hội cấp xã. Bộ cũng cần tham mưu với Chính phủ sớm ban hành Nghị định
thay thế và nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cho các đối tượng người già từ
80 tuổi trở lên, người đơn thân nuôi con, trẻ mồ côi, người khuyết
tật…cho phù hợp hơn với thực tiễn.
Ngay tại buổi làm việc, lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ đã có ý kiến và
trực tiếp giải đáp các thắc mắc về các đề xuất, kiến nghị của Sở.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đánh giá cao những kết quả công tác mà
ngành LĐTBXH tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được trong thời gian qua, đồng
thời lưu ý cán bộ, công chức, viên chức của Sở cần đề cao hơn nữa trách
nhiệm, tình cảm của mình để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ công tác của
ngành, trong đó cần chú ý các điểm sau: Nghiêm túc đánh giá, rà soát lại
việc thực hiện các chỉ tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia về
việc làm, dạy nghề, nhất là chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo
nghề, qua đó đề ra các giải pháp cụ thể để hoàn thành các chỉ tiêu đó.
Sở cũng cần nhìn nhận lại việc thực hiện chính sách đối với người lao
động và phối hợp với các ngành liên quan giải quyết tình trạng nợ đọng
BHXH, BHYT nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động (đến nay các đơn
vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nợ BHXH, BHYT trên 70 tỷ đồng, có
doanh nghiệp nợ BHXH 21 tháng). Về lĩnh vực người có công, bên cạnh việc
thực hiện đầy đủ, đúng chế độ, Sở cần đặc biệt quan tâm rà soát nhằm
ngăn chặn hiện tượng khai man hồ sơ để hưởng chế độ đối với người có
công.
Bộ trưởng cũng lưu ý Sở LĐTBXH Thừa Thiên Huế cần triển khai nhanh
chóng, đúng, đầy đủ các chính sách, chế độ của Nhà nước, không chạy theo
chỉ tiêu mà phải vì đối tượng, vì người nghèo…
Về các đề xuất, kiến nghị của Sở về những bất cập của chính sách lao
động, người có công và xã hội, Bộ trưởng ghi nhận sẽ đề nghị các vụ,
cục, đơn vị chức năng thuộc Bộ nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, bổ sung,
điều chỉnh cho phù hợp nhằm giúp toàn ngành thực hiện tốt hơn nhiệm vụ
công tác đầy tính nhân văn của mình.
Trước
đó, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Việt
Nam - Lào, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền và Bộ trưởng Bộ Lao
động và Phúc lợi xã hội Lào Onechanh Thammavong đã đến thăm Trung tâm
Giới thiệu việc làm Thừa Thiên Huế và Trường Đào tạo nghề Du lịch thành
phố Huế.