Lao động nghèo ở Tiền Giang được hỗ trợ học nghề

22/04/2013 04:52
 	 Lao động nghèo ở Tiền Giang được hỗ trợ học nghề

Theo Sở Lao động- TBXH tỉnh Tiền Giang, năm 2012, tỉnh đã hỗ trợ dạy nghề cho 4.177 lao động, trong đó 2.388 lao động thuộc diện hộ nghèo, kinh phí hỗ trợ 3.609 triệu đồng. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt hơn 75%. Riêng nghề sửa chữa - lắp đặt điện dân dụng thì số lao động có việc làm rất thấp, chỉ từ 20 - 30%.

Ngành nghề đào tạo chủ yếu là sửa chữa xe gắn máy, may công nghiệp, sửa chữa lắp đặt điện dân dụng, cắt uốn tóc, sửa chữa máy may công nghiệp, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... Số lao động học nghề thuộc nhóm phi nông nghiệp chiếm 36,36%. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 12 tỷ đồng.

Qua kết quả khảo sát, đánh giá vào cuối năm 2011 và 2012 đối với lao động nông thôn đã được hỗ trợ dạy nghề sau 1 năm thì có 7,6% có việc làm mới, 31% đã thay đổi việc làm theo nghề mới học, 74% ứng dụng kiến thức đã học vào SX và 72,7% đã tăng thêm thu nhập với mức khoảng 240.000 đồng/tháng/hộ đối với lao động học kỹ thuật nông nghiệp, 1.500.000 đồng/tháng/lao động đối với lao động học nghề phi nông nghiệp.

Đối với nghề phi nông nghiệp (nghề may, sửa chữa máy may, cơ khí, đan đát…), người lao động được giới thiệu làm việc tại các DN hoặc nhận gia công hàng cho các cơ sở SX nên có việc làm ổn định. Đối với nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, dạy nghề để SX thêm sản phẩm mới không nhiều mà chủ yếu để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả SX...

Tuy nhiên, do người lao động chưa nắm được mục đích của công tác dạy nghề nói chung và chính sách hỗ trợ dạy nghề nói riêng, nên chưa chủ động tham gia học nghề mà phải do các đoàn thể vận động. Nghề đào tạo còn hạn chế, nhất là nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp. Với nghề nông nghiệp, chủ yếu giáo viên thỉnh giảng theo lớp nên chưa đầu tư nhiều cho bài giảng, nhiều lớp dạy nghề chưa thực hiện theo chu kỳ sinh trưởng của vật nuôi, cây trồng, chưa sát với thực tế SX.

Ở nhiều nơi, người lao động còn ngại đi xa, ngại học thời gian dài, đối với kỹ thuật nông nghiệp thường chỉ đăng ký học 1 mô đun của nghề có thời gian 1 - 1,5 tháng nên chỉ áp dụng cho 1 công việc trong SX. Một số nghề để làm dịch vụ tại địa phương, nhưng lại đào tạo tập trung cho người lao động của một xã. Đối với nghề sửa chữa điện dân dụng, sửa chữa xe gắn máy thì mỗi xã chỉ vài lao động có thể tự tạo việc làm, nhưng đào tạo 20 - 30 lao động nên quá thừa so với nhu cầu. Năm 2013, tỉnh Tiền Giang phấn đấu dạy nghề cho 7.500 lao động./.